Sự khởi đầu cho cuộc quyết đấu để giành ghế Tổng thống Mỹ

Ông trùm bất động sản Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gần như chắc chắn sẽ đối đầu trong cuộc tổng tuyển cử Mỹ vào tháng 11.
Hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton. (Nguồn: AP)

Không cần chờ đến ngày diễn ra đại hội toàn quốc của hai đảng vào tháng 7 tới, cuộc đua giành tấm vé đại diện duy nhất cho đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ để bước vào "cuộc quyết đấu" giành ghế Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới đã ngã ngũ trong ngày "Siêu thứ Ba" cuối cùng.

Với việc đảng Cộng hòa hoàn tất quá trình bầu cử sơ bộ, và chiến dịch này của phía đảng Dân chủ cũng gần kết thúc, hai gương mặt đại diện đã rõ ràng - "ông trùm" bất động sản Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gần như chắc chắn sẽ đối đầu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới để trở thành người chèo lái nước Mỹ trong 5 năm tới.

Ngay từ khi chính thức được khởi động hồi tháng 2 vừa qua, tiến trình bầu cử sơ bộ tại Mỹ năm nay đã được dự đoán là gay cấn, chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ và kịch tính, đặc biệt trong cuộc đua của “Những chú voi” (biệt danh của đảng Cộng hòa).

Từ chỗ chỉ được coi là “kép phụ” vì không có chút kinh nghiệm chính trị với tỷ lệ ủng hộ ít ỏi 3%, tỷ phú Trump đã nhanh chóng trở thành "hiện tượng" khi khiến cử tri và dư luận đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.

Tận dụng thế mạnh về truyền thông và sự tức giận của nhiều cử tri trong đảng với giới cầm quyền, doanh nhân 70 tuổi này đã liên tục giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ, đồng thời đánh bật nhiều ứng cử viên “truyền thống” từng được yêu thích.

Với việc dễ dàng giành chiến thắng tuyệt đối tại 5 bang cuối cùng trong ngày 7/6 vừa qua, tỷ phú Trump tiếp tục củng cố vị thế của mình khi giành thêm 248 phiếu đại biểu và nâng tổng số phiếu đại biểu lên thành 1.481 phiếu, vượt xa con số 1.237 phiếu tối thiểu theo luật định để chắc chắn được Đại hội Toàn quốc của đảng Cộng hòa bầu làm ứng cử viên tổng thống.

Trong khi đó, cuộc đua chọn ứng cử viên đảng Dân chủ không nằm ngoài dự đoán với tấm vé đại diện của "Những chú lừa" (biệt danh của đảng Dân chủ) thuộc về cựu Ngoại trưởng Clinton. Trái ngược với đối thủ Trump bên Cộng hòa, ngay từ đầu, bà Clinton được đánh giá là một trong những ứng cử viên tổng thống sáng giá khi từng kinh qua các vị trí Đệ nhất phu nhân, thượng nghị sĩ và Ngoại trưởng Mỹ.

Với chiến thắng tại 4/6 bang trong ngày bầu cử sơ bộ "Siêu thứ Ba" cuối cùng, ngày 7/6 đã trở thành ngày lịch sử không chỉ đối với cá nhân bà Clinton mà với cả chính trường xứ cờ hoa. Nữ chính khách này đã chính thức vượt qua cửa ải đầu tiên khi giành được tổng cộng 2.740 phiếu đại biểu, vượt xa mức tối thiểu 2.383 phiếu theo luật định để trở thành nữ ứng cử viên tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Phát biểu trước các cử tri tại New York, bà tự tin tuyên bố "chiến thắng này không chỉ dành cho một cá nhân mà thuộc về nhiều thế hệ", đồng thời cam kết "sẽ tiếp tục nỗ lực vì một nước Mỹ giàu mạnh hơn và công bằng."

Mặc dù đã vượt qua được chặng đầu trên hành trình vào Nhà Trắng, song chặng tiếp theo đối với cựu Ngoại trưởng Clinton và tỷ phú Trump không hề dễ dàng. Từ nay đến ngày 8/11 tới, hai ứng cử viên sẽ phải tận dụng mọi cơ hội để nêu bật những chính sách đối nội và đối ngoại của mình nhằm thu hút lá phiếu của cử tri. Điểm chung quan điểm rõ nhất giữa hai ứng cử viên này là tuy mức độ khác nhau, nhưng cả hai cùng muốn giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, phản đối các thỏa thuận thương mại tự do và đều nỗ lực bảo vệ nước Mỹ trước các nguy cơ khủng bố hay các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Tuy nhiên, những khác biệt giữa hai ứng cử viên mới là những vấn đề được các cử tri quan tâm. Trên lĩnh vực ngoại giao, ông Trump cho rằng lợi ích của nước Mỹ sẽ được bảo vệ tốt hơn từ việc giảm cam kết với bên ngoài và đặt lợi ích của đất nước và người dân trên hết. Mặc dù ủng hộ tăng cường quan hệ với các nước đồng minh, song ông Trump chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là "lỗi thời" và tuyên bố sẽ buộc các nước đối tác của Mỹ đóng góp nhiều hơn cho việc phòng thủ. Trong khi đó, dù mục tiêu cũng không khác mấy so với ông Trump, song bà Clinton chủ trương tăng cường quan hệ với các nước đồng minh lâu đời và xây dựng những mối quan hệ mới.

Bà cho rằng trong điều kiện thế giới hiện nay, việc mở rộng và làm sâu sắc các cam kết quốc tế là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích lâu dài cũng như nâng cao vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Thậm chí, bà không ngại ngần bày tỏ mong muốn Washington can thiệp sâu hơn vào các cuộc xung đột toàn cầu.

Liên quan đến cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, ông Trump nhiều lần cam kết sẽ tiêu diệt tổ chức khủng bố nguy hiểm này, nhưng vẫn chưa vạch ra một kế hoạch cụ thể. Trong khi đó, kế hoạch của bà Clinton là tiếp nối những gì chính quyền Obama thực thi và có phần kiên quyết hơn. Đó là chủ trương triển khai các cuộc không kích của liên minh, hỗ trợ các lực lượng địa phương, cũng như nỗ lực phá vỡ hoạt động tài trợ khủng bố và tuyên truyền trực tuyến.

Giới phân tích tại Mỹ đánh giá rằng trong chính sách đối ngoại, những chủ trương của bà Clinton thể hiện sự khôn ngoan và mạnh mẽ hơn chính sách của tổng thống đương nhiệm trong việc giải quyết các thách thức an ninh và giúp Mỹ đảm bảo có kết thúc tốt hơn trong chuỗi các xung đột toàn cầu. Trong khi đó, những đề xuất đối ngoại của ông Trump bị coi là mâu thuẫn và khó triển khai.

Một chủ đề được cả ông Trump và bà Clinton nhiều lần đề cập, đó là vấn đề người Hồi giáo và nhập cư. Tỷ phú Trump từng gây tranh cãi với tuyên bố "cấm cửa" tất cả người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ, đồng thời muốn xây tường rào để phong tỏa biên giới phía Nam của Mỹ với Mexico. Chính khách - doanh nhân này cũng muốn trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp và tăng mức phạt đối với những người vi phạm quy chế thị thực. Trái lại, bà Clinton cho rằng việc bêu xấu người Hồi giáo sẽ làm mất thiện cảm của các nước đối tác của Mỹ, cũng là một điều sai trái đối với những trẻ em mồ côi vì chiến tranh.

Nữ chính khách này kêu gọi một cuộc "đại tu" toàn diện luật nhập cư, trong đó có lộ trình cấp quyền công dân cho những người đang ở Mỹ bất hợp pháp, đồng thời ủng hộ việc không trục xuất hàng triệu người nhập cư trái phép.

Giới phân tích nhận định trong thời gian tới, ngoài việc đưa ra được cương lĩnh tranh cử thu hút, hợp lòng dân, nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của ông Trump và bà Clinton là lựa chọn gương mặt nào để liên danh tranh cử ghế phó tổng thống. Các cuộc bầu cử trước cho thấy, việc lựa chọn ứng cử viên phù hợp vào vị trí “phó tướng” có ảnh hưởng không nhỏ đến lựa chọn của cử tri.

Dư luận cùng chung đánh giá rằng cuộc đối đầu giữa bà Clinton và ông Trump sẽ hết sức gay cấn và khó đoán định. Nhiều ý kiến chỉ trích đã xoáy vào sự thiếu kinh nghiệm chính trường của ông Trump, trong khi từ hơn 60 năm nay, không ai được bầu làm tổng thống Mỹ mà chưa từng có kinh nghiệm làm thống đốc hoặc có chân trong Quốc hội. Tuy nhiên, những người ủng hộ lại lập luận rằng ông Trump dày dạn kinh nghiệm xử lý các giao dịch, và "điểm yếu" về kinh nghiệm chính trường ngược lại có thể trở thành "thế mạnh" khi nhiều cử tri Mỹ mong đợi những cú hích mới trong chính sách cả đối nội và đối ngoại.

Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây, tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ dành cho ông Trump đã tăng lên đáng kể, với khoảng 41%, bám gần sát bà Clinton, đang được gần 48%.

Giành thắng lợi trong cuộc đua nội bộ của đảng Cộng hòa và Dân chủ không đồng nghĩa với hoa hồng ở phía trước mà thực tế đó là bước khởi đầu cho cuộc chiến "một mất một còn" phía trước. Cả hai ứng cử viên còn rất nhiều việc phải làm trong 5 tháng tới đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục