Sự hy sinh thầm lặng: Nỗi niềm cảnh sát giao thông vùng cao

Đối diện với biết bao hiểm nguy trực chờ không thể lường trước, những chiến sỹ cảnh sát giao thông vùng cao vẫn âm thầm giữ bình yên trên mỗi cung đường, vì một xã hội an toàn, an ninh.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. (Ảnh: TTXVN)

Nắng cháy, mưa tuôn, hay những đêm rét cắt da thịt, đối diện với biết bao hiểm nguy trực chờ không thể lường trước, những chiến sỹ Cảnh sát giao thông vẫn âm thầm giữ bình yên trên mỗi cung đường, vì một xã hội an toàn, an ninh.

Tiếng chuông điện thoại reo, Hiển bật máy, đầu dây bên kia giọng bé gái cất lên "ba ơi, bao giờ ba về." Không trả lời vào câu hỏi của con, Hiển nói "ba đang đi công tác." Em bé giọng nũng nịu "bao giờ ba về, con nhớ ba lắm," Hiển chỉ nói với con "ba đang lái xe, ba gọi lại cho con sau nhé," rồi ngắt máy.

Phân trần với đoàn công tác, Thiếu tá Lê Duy Hiển, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, cả tuần nay em không về nhà nên con bé nhớ ba, ngày nào cũng gọi điện.

Lấy cơ quan làm nhà

Thành phố Tuyên Quang có diện tích 184,38 km2. Nhà ngay thành phố, cách cơ quan không xa, nhưng có những giai đoạn cao điểm, vì nhiệm vụ công tác, cả tuần Hiển không về nhà, hoặc có về thì cũng vào lúc đêm đã khuya, con đã đi ngủ.

Nhiều khi để tránh làm vợ, con mất giấc ngủ, sau ca tuần tra kiểm soát, Hiển ở luôn cơ quan, nên chuyện lấy cơ quan làm nhà cũng là thường tình.

Đặc thù địa bàn miền núi xa xôi, lực lượng lại mỏng, nên Cảnh sát giao thông khá vất vả.

"Có những khi vừa kết thúc ca tuần tra kiểm soát buổi tối, đội nhận được thông tin có vụ tai nạn giao thông cách đó 70-80km, thế là lại lên đường, giải quyết xong thì cũng tới sáng," Thiếu tá Nguyễn Xuân Hoàng, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang tâm sự.

[Hà Nội: Khởi tố, tạm giam đối tượng hành hung cảnh sát giao thông]

Vì đặc thù nghề nghiệp, không thể nói rõ công việc của mình, Hoàng chỉ nói "nhiều việc lắm chị ạ." Tôi hiểu, ngoài nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, Cảnh sát giao thông còn phải kiêm thêm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và đây cũng được coi là một chỉ tiêu để đánh giá mức độ hoàn thành công việc.

Vì vậy, không chỉ Hoàng, Hiển, mà nhiều anh em khác luôn trong tình trạng áp lực. Những tưởng sau chuyến công tác Na Hang 2 ngày, mọi người sẽ được trở về nhà bên bữa cơm gia đình đầm ấm của gia đình và ngả lưng cho lại sức, nhưng… đêm nay chúng em lại lên đường ( một chiến sỹ tâm sự) .

Khó khăn trong công tác tuyên truyền

Cũng là Cảnh sát giao thông, nhưng ở miền núi có đặc thù riêng. Chưa kể giao thông đi lại bất tiện, địa hình đèo dốc quanh co, chỉ riêng việc tuyên truyền cho bà con dân tộc đã là cả một vấn đề.

Phụ nữ dân tộc vùng cao vẫn giữ truyền thống búi tóc cao và khi đội mũ bảo hiểm sẽ rất khó khăn. (Ảnh: CTV Xuân Phúc)

Là địa bàn miền núi, huyện Na Hang có 12 dân tộc anh em, việc tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông gặp không ít khó khăn. Để tuyên truyền được, phải chọn cán bộ cho phù hợp, với đồng bào dân tộc nào, phải chọn cán bộ biết tiếng đó. Song, không phải lúc nào cũng tuyên truyền đúng đối tượng.

Thượng tá Ma Văn Tòng, Phó trưởng Công an huyện Na Hang, cho hay Công an huyện đã ký kết giao ước với các trường học nên cứ đến đầu năm học, hai bên lại phối hợp tổ chức tuyên truyền cho học sinh, sinh viên.

Còn đối với người dân, Công an huyện khoán cho lực lượng trong ngành hàng tháng tổ chức tuyên truyền ít nhất một buổi tại một thôn về pháp luật trật tự an toàn giao thông.

Anh Tòng kể khó khăn nhất trong công tác tuyên truyền là tổ chức họp dân. Có những khi thôn, xã tổ chức họp dân tuyên truyền các chính sách, chương trình, Công an huyện phối hợp luôn để lồng ghép tuyên truyền chính sách pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhưng hiệu quả cũng không cao vì chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em - những người ít hoặc không bao giờ điều khiển phương tiện tham gia thông - ngồi nhà rảnh rỗi mới tham gia.

Trong khi đó, những đối tượng cần tuyên truyền lại không tham gia, nên có những lúc, cán bộ phải lên tận nương rẫy để tuyên truyền cho bà con, còn lại chủ yếu là tuyên truyền ngẫu nhiên, tuyên truyền lưu động qua công tác tuần tra, kiểm soát.

Do địa bàn miền núi, chủ yếu là bà con dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông chưa tốt, bên cạnh đó, còn có yếu tố phong tục, tập quán, người cùng làng bản, nên việc kiểm soát cũng chủ yếu tập trung vào tuyên truyền, nhắc nhở là chính mà không đặt nặng vấn đề xử phạt, đôi khi là xuê xoa cho các lỗi vi phạm hành chính.

Nhìn thấy tổ tuần tra kiểm soát đang làm nhiệm vụ trên đường, từ xa, chị Bàn Thị Ghến - một phụ nữ dân tộc Dao - dừng xe lấy chiếc mũ bảo hiểm đội lên đầu, nhưng loay hoay cả 15 phút vẫn không đội được, chị đành lên xe đi tiếp.

Vi phạm quy định về an toàn giao thông, chị bị tổ công tác dừng xe kiểm tra, nhắc nhở. Phân trần, chị Ghến thật thà do hôm nay có buổi lễ quan trọng, phải mặc trang phục và đội mũ dân tộc mình, không thể đội mũ bảo hiểm, "em có mũ bảo hiểm nhưng em không đội được, bắt buộc em phải như thế này ạ, cho em xin lỗi các anh nhé."

Chị Ghến lý giải chiếc mũ dân tộc Dao vừa to, vừa cứng, dù đã cố gắng đội lồng mũ bảo hiểm lên trên nhưng vẫn không làm được, cũng không thể đến buổi lễ mới mặc trang phục và đội mũ vì làm việc này phải mất chừng 1 tiếng và phải có người trợ giúp. Do vậy, mỗi dịp lễ, hội, chị đều mặc trang phục của người Dao, dù vẫn mang theo mũ bảo hiểm trên xe nhưng không bao giờ đội, nếu lỡ có bị Cảnh sát giao thông bắt thì "em lại xin thôi, chả biết làm sao, vì đội cái mũ này thì không đội mũ bảo hiểm được. Rất xin lỗi vì bọn em lúc nào cũng thế. Bình thường khi đi đường bao giờ em cũng đội mũ bảo hiểm, tham gia giao thông an toàn, nhưng cứ mặc trang phục này là không thể đội được, thông cảm cho em."

Thượng tá Ma Văn Tòng cho biết theo phong tục tập quán địa phương, vào dịp lễ, hội, bà con dân tộc lại sử dụng trang phục của dân tộc mình. Với người Dao, chiếc mũ có vành to, đội mũ bảo hiểm vào không vừa, lực lượng Công an đã vận động bà con khi tham gia giao thông phải bỏ vành mũ ra để đảm bảo đúng theo quy định.

Nhưng thực tế, khi tham gia giao thông trên đoạn đường ngắn, người dân ít khi chấp hành, đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải cho việc lỗi vi phạm giao thông trên địa bàn huyện Na Hang phần nhiều là không đội mũ bảo hiểm.

"Do trình độ dân trí chưa đồng đều, người tham gia giao thông chấp hành quy định của pháp luật chưa nghiêm, nhất là lỗi về mũ bảo hiểm. Con em vùng sâu, vùng xa khi tham gia giao thông ít đội mũ bảo hiểm, trừ trường hợp ra đến thị trấn hay đi xa," Thượng tá Tòng nói.

Ngay cả các giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe hay chứng minh nhân dân của nhiều người bị mờ, không nhìn rõ ảnh và thông tin, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng phải tuyên truyền cho bà con đề nghị cấp lại, cấp đổi theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Ma Văn Tòng, do đa số bà con đi lại gần nên ít người quan tâm đến việc cấp đổi giấy tờ xe, trên địa bàn huyện mỗi năm chỉ có vài chục chủ phương tiện tiến hành cấp đổi.

Riêng đối với chứng minh nhân dân, hàng tháng, lực lượng Công an phải luân phiên tới các xã để tiến hành cấp đổi cho người dân, với người cao tuổi, bố trí cán bộ chiến sỹ tới tận nhà để thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục