Sự hợp nhất của IS, Al Qaeda, Taliban có khả năng đe dọa Nga

Có nguy cơ các tay súng từ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), Taliban và Al Qaeda có thể cùng đổ tới, hợp nhất ở Afghanistan và điều này sẽ đe dọa tới an ninh của Nga.
Sự hợp nhất của IS, Al Qaeda, Taliban có khả năng đe dọa Nga ảnh 1Các tay súng Hồi giáo cực đoan có thể là mối đe dọa với Nga (Nguồn: AP/Sputnik)

Alexei Arbatov, lãnh đạo Trung tâm An ninh Quốc tế của Học viện Khoa học Tự nhiên Nga vừa nói rằng có nguy cơ các tay súng từ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), Taliban và Al Qaeda có thể cùng đổ tới, hợp nhất ở Afghanistan và điều này sẽ đe dọa tới an ninh của Nga.

“Chúng (IS, Al Qaeda và Taliban) có nhiều khả năng sẽ hợp nhất. Chúng đã bắt đầu làm điều này" - Arbatov nói với hãng tin Sputnik, đồng thời cho biết thêm rằng chính sách của Moskva trong khu vực là nhằm bảo vệ người Nga khỏi các mối đe dọa có thể hình thành khi những nhóm trên hợp nhất ở Afghanistan.

“Nếu Taliban trở lại nắm quyền cùng IS và Al Qaeda, tất cả sẽ cùng di chuyển sang phương Bắc (đe dọa Nga). Và nếu tiến về phương Nam, tới Pakistan và nắm quyền ở đây, chúng sẽ có trong tay vũ khí hạt nhân. Cả hai kịch bản này đều có thể gây những tác động nghiêm trọng tới an ninh của chúng ta. Chúng ta cần phải thay đổi chính sách để đối phó với chúng" - ông nói.

Theo Arbatov, Mỹ đã không thể thực hiện trách nhiệm được giao phó ở Afghansitan vì hoạt động gây hấn của Mỹ và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO ở Iraq đã làm giảm khả năng nhanh chóng ổn định tình hình ở khu vực.

Mỹ mang quân tới Afghanistan hồi năm 2001, theo sau các vụ tấn công khủng bố 11/9. Tháng 12/2001, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thành lập Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) để giám sát hoạt động quân sự ở Afghanistan.

ISAF đã hoàn tất nhiệm vụ trong tháng 12/2014 và chuyển đổi sang các hoạt động phi quân sự. Mỹ là nước đóng góp nhiều quân nhất cho ISAF.

“Sự ổn định vẫn chưa được thiết lập. Người Mỹ đang cân nhắc việc trì hoãn hoạt động rút quân khỏi Afghanistan thêm 1 năm nữa, do mục tiêu là lật đổ Taliban, phá hủy các hang ổ của Al Qaeda và gây dựng nên một chính quyền ổn định hơn ở đất nước này" - ông đánh giá.

Trước đó, trong ngày thứ Bảy, Phó Thủ tướng Nga Anatoly Antonov cũng nói rằng ISAF không hoàn thành nhiệm vụ mà Hội đồng Bảo an LHQ giao phó.

Ông cho biết một báo cáo đầy đủ về các hoạt động của ISAF ở Afghanistan chưa từng được xuất bản và Taliban vẫn là mối đe dọa lớn tới an ninh ổn định Afghanistan.

Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia quân sự Igor Korotchenko cho rằng Mỹ chưa hoàn thành bất kỳ điều gì mà họ đã nêu ra trước khi vào Afghanistan. Quy mô của chủ nghĩa khủng bố ở Afghanistan vẫn ở cùng một mức như trước khi Mỹ mang quân tới đây và hoạt động sản xuất ma túy trái phép còn tăng lên hàng chục lần.

Theo Korotchenko, Mỹ đã tự làm hỏng hình ảnh của mình ở Afghanistan do máy bay không người lái của nước này đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào "dân thường, trường học, các đám cưới", thay vì những kẻ khủng bố.

"Hiện nay Tổng thống Afghanistan còn không kiểm soát được thủ đô Kabul, với nhiều nhóm chiến binh đang hoạt động mạnh ở các vùng ngoại ô" - Korotchenko nói, cho biết thêm rằng Mỹ đã tạo ra một điểm nóng bất ổn còn lớn hơn so với trước khi thực hiện hoạt động tấn công quân sự Afghanistan.

Theo Liên hợp quốc, khoảng 100.000 dân thường Afghanistan đã bị giết hoặc bị thương trong năm 2014 - hậu quả từ tình trạng bạo lực ở nước này./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục