Mới đây, Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã cảnh báo người dân kinh doanh, sử dụng thiết bị kích sóng điện thoại di động trái phép, điện thoại kéo dài không dây trái phép sẽ bị xử phạt nặng.
Cụ thể, trong thông tin gửi qua tin nhắn SMS tới các thuê bao di động, phía cơ quan quản lý cho hay: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng thiết bị kích sóng điện thoại di động trái phép, điện thoại kéo dài không dây (điện thoại mẹ-con) không có chứng nhận hợp quy, gây can nhiễu các mạng thông tin di động là vi phạm pháp luật về tần số vô tuyến điện, có thể bị xử phạt đến 50 triệu đồng, tịch thu tang vật.”
[Bán thiết bị kích sóng di động sai quy định, một doanh nghiệp bị phạt]
Thực tế cho thấy, vấn nạn dùng thiết bị kích sóng trái phép thời gian qua khá phổ biến. Theo nguồn tin từ Cục Tần số Vô tuyến điện, trong năm 2017, đơn vị này tiếp nhận, xử lý 239 kháng nghị can nhiễu. Trong đó có 168 can nhiễu thông tin di động, 24 can nhiễu mạng dùng riêng, 10 can nhiễu mạng hàng không…
Trong bối cảnh số lượng can nhiễu lớn, nguôn nhân lực ít, Cục Tần số Vô tuyến điện đã cố gắng, huy động tối đa nguồn nhân lực và trang thiết bị để xử lý nhanh chóng các vụ can nhiễu. Hiện, chỉ còn một số ít vụ can nhiễu đang tiếp tục giải quyết, trong đó chủ yếu là các vụ can nhiễu mạng di động.
Cũng theo đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện, các vụ can nhiễu cho mạng di động có nguyên nhân chủ yếu là từ thiết bị trạm lặp trái phép, điện thoại kéo dài. Năm 2017, đơn vị này đã phát hiện và xử lý 156 tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị trạm lặp gây nhiễu đối với 178 trạm gốc tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Phát hiện và xử lý 533 thiết bị DECT 6.0 gây nhiễu cho 539 NodeB trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, đơn vị này cũng phối hợp với các doanh nghiệp thông tin tin động và đầu mối thuộc Bộ Quốc phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ xử lý nhiễu tại các sân bay quân sự; Phối hợp với Cục A70 – Bộ Công an - xử lý 8 vụ nhiễu liên quan đến các đơn vị thuộc ngành Công an; Giải quyết 1 thông báo can nhiễu băng tần HF do Cục Thông tin vô tuyến - Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đề nghị./.