Ngày 28/9, Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế cho biết sốt xuất huyết Dengue hiện nay đang là vấn đề y tế công cộng rất lớn trên toàn cầu và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong những bệnh do véctơ truyền quan trọng nhất.
Bệnh sốt xuất huyết được phát hiện vào những năm 50 của thế kỷ trước và đã liên tục lan rộng ra các quốc gia trên thế giới. Bệnh đang lưu hành ở trên 100 quốc gia thuộc chủ yếu tại các khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới (cận nhiệt) như vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
Sốt xuất huyết gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới
Theo Cục Y tế dự phòng, gần đây, các vụ dịch sốt xuất huyết đã liên tiếp xảy ra ở 5 trong số 6 khu vực là thành viên của WHO, chỉ trừ khu vực châu Âu. Giai đoạn ghi nhận báo cáo đầu tiên từ năm 1955-1959, trung bình trong giai đoạn này mỗi năm chỉ có khoảng 908 ca.
Tuy nhiên, từ 1960-1969 có số ca mắc trung bình cao gấp hơn 15 lần so với giai đoạn trước đó. Số ca mắc này tiếp tục tăng cao trong các giai đoạn tiếp theo và đến năm 2010 số ca mắc sốt xuất huyết trên thế giới đã lên tới hơn 2 triệu ca.
Tại khu vực Đông Nam Á, có tới 7 trong số 10 nước của khu vực bị sốt xuất huyết nặng nề và là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp nhập viện, tử vong ở trẻ em.
Năm 2015, theo thông báo của WHO ngày 22/9 vừa qua, sốt xuất huyết gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Á Thái Bình Dương như Malaysia đã ghi nhận 85.448 trường hợp mắc, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 300% so với cùng kỳ năm 2013; Philippines tăng 10,2%; Campuchia tăng 170%; Thái Lan tăng 100% so với cùng kỳ năm 2014; Ấn Độ ghi nhận số mắc cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết xuất hiện từ năm 1959 đến nay. Bệnh lưu hành tại hầu hết các tỉnh, thành phố và có nguy cơ tăng cao vào các tháng mùa mưa. Bệnh ghi nhận chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam và có tính chất chu kỳ, bùng phát 4-5 năm/lần.
Thời gian trước, tại Việt Nam có khoảng vài trăm ngàn trường hợp mắc/năm, đặc biệt năm 1987 đã ghi nhận trên 300.000 trường hợp mắc với trên 1.000 trường hợp tử vong. Những năm gần đây, số mắc đã giảm xuống khoảng 50-100.000 trường hợp.
Năm nay số mắc thấp hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2010-2014 nhưng cao hơn năm 2014 (năm 2014 là năm có số mắc thấp nhất trong 11 năm qua). Từ đầu năm đến tháng Chín này, dịch bệnh sốt xuất huyết đã xảy ra ở 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế khuyến cáo: để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Người dân phải ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày và tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi bị sốt kéo dài, xuất huyết... người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; không được tự ý điều trị tại nhà.
"Tiêm vắcxin cho muỗi"
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nhấn mạnh bệnh sốt xuất huyết Dengue được lây truyền qua muỗi Aedes aegypti. Hoạt động phòng chống bệnh dịch hiện nay còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có vắcxin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng chống chủ yếu và có hiệu quả bệnh sốt xuất huyết là dựa vào kiểm soát véctơ truyền bệnh.
Để góp phần đạt hiệu quả hơn trong phòng chống muỗi truyền bệnh, Bộ Y tế đã tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học. Một trong những nghiên cứu đang được thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên (Nha Trang, Việt Nam) là dùng vi khuẩn Wolbachia để gây nhiễm vào muỗi, làm cho muỗi chết sớm, hạn chế virus Dengue nhiễm và phát triển trên muỗi.
Wolbachia là vi khuẩn nội bào, sống trong tế bào côn trùng và truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo thông qua trứng của côn trùng. Wolbachia được tìm thấy tự nhiên trong khoảng hơn 60% các loài côn trùng sống xung quanh con người, bao gồm cả những loài muỗi thường hay đốt người. Tuy nhiên, nó lại không tồn tại trong muỗi Aedes aegypti, véctơ chính truyền bệnh sốt xuất huyết.
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu dự án bắt đầu nghiên cứu về Wolbachia từ năm 2006 với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Dự án đã cấy và nhân nuôi thành công muỗi Aedes aegypti địa phương mang Wolbachia tại phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Trên cơ sở khoa học và thực tiễn thu được qua các giai đoạn nghiên cứu từ năm 2006-2013, hoạt động thả muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia đã được Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 4/2014 trên thực địa hẹp là đảo Trí Nguyên, Nha Trang, với dân số trên 3.000 dân.
Vào tháng 5/2014, muỗi Aedes aegypti nhiễm Wolbachia đã được thả tại từng hộ gia đình trên đảo. Kết quả giám sát quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên vào tháng Năm vừa qua cho thấy tỷ lệ muỗi Aedes aegypti nhiễm Wolbachia tại đây trên 95%.
Như vậy, nghiên cứu bước đầu đã cho thấy muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sau khi thả đã thiết lập và thay thế gần như toàn bộ quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên.
Ngoài ra, theo kết quả giám sát ca bệnh mắc sốt xuất huyết từ giữa năm 2014 đến nay tại đảo Trí Nguyên không ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết tập trung hay ca mắc sốt xuất huyết địa phương nào.
Chính vì lý do này, các nhà khoa học cho rằng việc sử dụng vi khuẩn Wolbachia cho muỗi không khác gì việc “tiêm vắcxin cho muỗi.”
Vi khuẩn Wolbachia đã làm hạn chế virus Dengue nhiễm và phát triển trên muỗi, đồng thời rút ngắn thời gian sống của muỗi đã tác động hiệu quả tới việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Nghiên cứu này thành công sẽ góp phần tích cực cho công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam.../.