Sử dụng kháng sinh tùy tiện làm trầm trọng tình trạng kháng thuốc

Ở Việt Nam, tình trạng kháng thuốc diễn ra trầm trọng do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện khi không có đơn của bác sỹ, người dân có thể tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc.
Sử dụng kháng sinh tùy tiện làm trầm trọng tình trạng kháng thuốc ảnh 1Khám cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Lao Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh). (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngay từ khi kháng sinh ra đời đã xuất hiện tình trạng kháng thuốc. Tuy nhiên ở Việt Nam tình trạng kháng thuốc diễn ra trầm trọng hơn do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện khi không có đơn của bác sỹ, người dân có thể tự ý mua kháng sinh ở các hiệu thuốc.

Không ít dược sỹ bán thuốc không đúng quy định, các bác sỹ điều trị kê đơn thuốc lạm dụng kháng sinh, chỉ định kháng sinh không phù hợp hoặc sử dụng kháng sinh đắt tiền, thế hệ mới.

Bên cạnh đó việc sử dụng kháng sinh sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa, Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định kháng sinh phải được phân phối, quản lý và sử dụng theo đơn đúng quy định; bác sỹ kê đơn kháng sinh khi có bệnh lý nhiễm khuẩn; dược sỹ bán thuốc theo đơn; người dân sử dụng kháng sinh theo đơn bác sỹ.

Song trên thực tế, việc tổ chức triển khai còn nhiều bất cập như người dân chưa có hiểu biết nhiều về kháng sinh, vai trò của kháng sinh, chưa biết hết tác dụng phụ của kháng sinh và vấn đề kháng thuốc. Bác sỹ biết vấn đề kháng thuốc nhưng do tâm lý và thói quen kê đơn kháng sinh để giảm thời gian điều trị cũng là nguyên nhân gây kháng thuốc.

Dược sỹ biết quy định nhưng một bộ phận không nhỏ chạy theo lợi nhuận vẫn bán thuốc kháng sinh mà không cần đơn của bác sỹ.

Ở Việt Nam, theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn.

Có đến 98% nhà thuốc thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán thuốc kháng sinh không có đơn. Kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng doanh thu của hiệu thuốc. Đáng chú ý, nhiều người mua kháng sinh để điều trị ho- tỷ lệ này ở thành thị lên đến gần 32%.

Theo kết quả kiểm tra bệnh viện hằng năm của Bộ Y tế cho thấy chi phí điều trị người bệnh có 48% là tiền thuốc, trong số thuốc kháng sinh chiếm 33%. Còn theo thống kê chi phí tiền thuốc trung bình cho người bệnh trong một năm là 33 USD.

Trong lĩnh vực phòng chống và điều trị lao, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, ở Việt Nam, dịch tễ lao còn diễn biến phức tạp. Việt Nam vẫn đứng thứ 12 trong 22 nước có số người bệnh lao cao và đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc.

Tỷ lệ lao kháng đa thuốc là 2,7% trong số bệnh nhân lao mới (khoảng 4.800 bệnh nhân) và chiếm 19% trong số bệnh nhân lao điều trị lại (khoảng 3.400 bệnh nhân).

Chi phí điều trị người bệnh lao kháng đa thuốc tăng lên hàng trăm lần so với người bệnh lao không kháng thuốc và thậm chí không thể điều trị được ở một số trường hợp. Hơn nữa mỗi năm có khoảng 350 người bệnh lao phổi mạn tính và hầu hết trong số đó là lao phổi kháng đa thuốc làm nặng hơn tình trạng kháng thuốc hiện nay.

Nguyên nhân vi khuẩn lao kháng thuốc có thể là do vi khuẩn tự biến đổi để tồn tại; do người bệnh không tuân thủ đúng phác đồ điều trị, tự ý ngừng thuốc, giảm liều; do môi trường ô nhiễm, do khạc nhổ, xả rác bừa bãi nơi công cộng... Đây là những yếu tố khiến Việt Nam có số người mắc lao và bị kháng thuốc cao.

Những nghiên cứu về sử dụng thuốc điều trị HIV và tình hình kháng HIV cũng cho thấy việc sử dụng thuốc ARV cũng làm xuất hiện các chủng vi rút HIV kháng ARV và nguy cơ làm lan truyền các chủng kháng thuốc trong cộng đồng.

Trong một nghiên cứu về tính kháng thuốc được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ virus HIV kháng thuốc trên các đối tượng là những người nghiện chích ma túy, gái mại dâm và người bệnh mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục chưa từng tiếp cận với ARV là 6,5 %.

Năm 2008, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch quốc gia về dự phòng, theo dõi HIV kháng thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Kể từ đó đến nay, hàng năm Việt Nam đã tiến hành thu thập số liệu liên quan đến kết quả điều trị ARV cùng với việc thu thập các chỉ số cảnh báo sớm HIV kháng thuốc tại các cơ sở điều trị ARV đại diện trên toàn quốc.

Việc giám sát HIV kháng thuốc ở những người mới nhiễm HIV chưa điều trị ARV đã được một số đơn vị thực hiện cho thấy tỷ lệ kháng HIV dưới 5%.

Đáng báo động ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 30%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm.

Việt Nam ghi nhận không chỉ một mà vài loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới./.

Bài 1: Kháng thuốc - Mối quan tâm và thách thức của toàn xã hội

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục