Sử dụng hiệu quả nguồn vốn phòng, chống sạt lở vùng ĐBSCL

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, với tính cấp bách của việc xử lý sạt lở, các địa phương, bộ, ngành phải rà soát, phối hợp, đề xuất danh mục dự án xử lý sạt lở bờ sông ở 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn phòng, chống sạt lở vùng ĐBSCL ảnh 1Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều 28/8, trong cuộc họp với các bộ liên quan về bố trí nguồn vốn cho các dự án phòng, chống sạt lở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao 13 địa phương và các bộ, ngành đã có đề xuất kịp thời xử lý hậu quả sạt lở bờ sông, bờ biển do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế-xã hội, đời sống, tài sản, tính mạng của người dân.

Do đặc thù của việc xử lý các dự án liên quan đến sạt lở, ý kiến của các bộ về danh mục dự án còn có sự khác nhau (danh mục dự án Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp thông qua đề xuất của địa phương và danh mục Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất từ thực tế khảo sát của Bộ).

Theo Phó Thủ tướng, với tính cấp bách của việc xử lý sạt lở, các địa phương, bộ, ngành phải rà soát, phối hợp, đề xuất danh mục dự án xử lý sạt lở bờ sông ở 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nhanh nhất, kịp thời, phù hợp với quy định pháp luật, trên tinh thần trọng tâm, trọng điểm, sớm triển khai.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, với 7 tỉnh và thành phố Cần Thơ, các bộ hoàn thiện lại theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc khảo sát Đồng bằng Sông Cửu Long vừa qua. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các địa phương, bộ, ngành rà soát lần nữa với 5 tỉnh mà Bộ đi khảo sát và có đề xuất chính thức.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước đây các bộ đề xuất sử dụng nguồn tăng thu để xử lý các dự án, nhưng do tính chất cấp thiết và ý kiến của lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ là phải dùng nguồn dự phòng để xử lý hậu quả do thiên tai cấp bách, do đó, việc sử dụng nguồn vốn phải đảm bảo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, Luật Phòng, Chống Thiên tai. Đồng thời, phải đảm bảo nguyên tắc “xử lý cấp bách.”

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc đề xuất danh mục dự án phải theo nguyên tắc trọng tâm, trọng điểm, giải quyết được vấn đề cấp bách và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, phải xem xét thứ tự dự án nào làm trước, sử dụng nguồn lực hiệu quả, làm dứt điểm từng khu vực, từng dự án. Trên tinh thần đó, các bộ rà soát, thống nhất đề xuất danh mục, trình Thủ tướng Chính phủ trước 15/9, để có nguồn lực cùng với các địa phương xử lý kịp thời các khu vực sạt lở.

[Cấp bách bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân vùng sạt lở ĐBSCL]

Liên quan đến nguồn vốn, theo Phó Thủ tướng, sử dụng nguồn dự phòng theo quy định tại Nghị định 66/2021/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Phòng, Chống Thiên tai) là ngân sách địa phương phải đảm bảo. Nếu không đảm bảo được, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ. Các bộ phải phối hợp với Bộ Tài chính trình nội dung cho phù hợp.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, các bộ, ngành thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong các cuộc làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát kỹ, đánh giá cùng các địa phương, xin ý kiến thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, tránh trùng lắp với những dự án có kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn khác, và phải làm một cách chặt chẽ, thận trọng.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn phòng, chống sạt lở vùng ĐBSCL ảnh 2Hình ảnh vụ sạt lở ven kênh Đốc Phủ Hiền thuộc xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, vào tháng 5/2023. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 để hỗ trợ các địa phương thực hiện 18 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Danh mục các dự án này được tổng hợp trên cơ sở đề xuất của các địa phương tại thời điểm tháng 2,3/2023 và được Bộ tổng hợp trong phương án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.

Qua nhiều đợt xin ý kiến Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp cho ý kiến vào các danh mục và nguồn vốn thực hiện. Các dự án này thuộc đối tượng sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023.

“Hiện tình hình sạt lở trên hầu hết các địa bàn có mức độ khác nhau, công tác phòng, chống, khắc phục sạt lở cần làm đồng bộ, theo vùng. Nếu xử lý đơn lẻ từng địa phương, hiệu quả sẽ không cao. Do đó, vượt tầm xử lý của địa phương, cần có sự vào cuộc của trung ương, có sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương,” Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết.

So với danh mục do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất sau khi đi khảo sát 5 địa phương cho thấy có một số điểm khác nhau, cơ bản liên quan đến dự án cần xử lý. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp lý giải, các dự án Bộ đều xuất là những điểm cấp bách, cần phải xử lý ngay.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành nhấn mạnh sự cần thiết phải bố trí nguồn vốn để xử lý các dự án sạt lở. Tuy nhiên, số liệu của các bộ còn có sự khác nhau, do đó, cần rà soát lại để xử lý và phải đảm bảo nguyên tắc dự án phải là dự án phòng, chống thiên tai, trung ương chỉ hỗ trợ khi địa phương không đảm bảo về nguồn vốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục