Sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro không phải xóa nợ

Sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, không phải xóa nợ

Việc sử dụng dự phòng xử lý rủi ro là chuyển khoản nợ được xử lý ra hạch toán ngoại bảng, tiếp tục theo dõi chứ không phải xóa nợ.
Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, thông tư số 02/2013-TT-Ngân hàng Nhà nước được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 21/1/2013 có nhiều điểm thay đổi về phân loại tài sản có, mức trích lập, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng này để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng).

So với các quy định trước đây (Quyết định 493 và Quyết định 18) thì có thêm một số tài sản sẽ phải phân loại như: số tiền mua và ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết; ủy thác cấp tín dụng; tiền gửi liên ngân hàng; các khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng.

Đối với các cam kết ngoại bảng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ thực hiện phân loại nợ để quản lý, giám sát chất lượng tín dụng không thực hiện trích lập dự phòng rủi ro.

Ngay cả với các ngân hàng nước ngoài, nếu trong quá trình thanh tra, giám sát, đánh giá chính sách dự phòng mà thấy không phản ánh được đầy đủ mức độ rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng thực tế tại Việt Nam thì Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu ngân hàng nước ngoài này thực hiện phân loại nợ, cam kết bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định.

Mặc dù đưa ra các yêu cầu chi tiết hơn đối về việc xây dựng và thực hiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ nhưng Ngân hàng Nhà nước không bắt buộc các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Như vậy, sẽ không gây khó khăn về chi phí cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có quy mô nhỏ.

Đáng chú ý, đối với khoản ủy thác cấp tín dụng mà bên nhận ủy thác chưa giải ngân theo hợp đồng ủy thác thì tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài ủy thác phải thực hiện phân loại cả các khoản ủy thác này như là một khoản cho vay đối với bên nhận ủy thác.

Cùng đó, các khoản nợ đã bán nhưng chưa thu được tiền, nợ đã bán nhưng bên mua có quyền truy đòi người bán thì số tiền chưa thu được, số dư nợ đã bán có quyền truy đòi người bán cũng phải được phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định trước khi bán nợ.

Với các khoản nợ được mua, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải phân loại số tiền đã thanh toán để mua nợ vào nhóm có mức độ rủi ro không thấp hơn nhóm mà khoản nợ đó đã được phân loại trước khi mua.

Số tiền mua, kể cả ủy thác cho tổ chức hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán cũng phải phân loại như là một khoản cho vay không có bảo đảm đối với bên phát hành trái phiếu.

Tài sản bảo đảm là động sản, bất động sản và các loại tài sản bảo đảm khác phải được định giá bởi tổ chức có chức năng thẩm định nếu có giá trị lớn theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định sử dụng dự phòng xử lý rủi ro là việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạch toán chuyển khoản nợ được xử lý rủi ro ra hạch toán ngoại bảng và tiếp tục theo dõi. Đây là công việc nội bộ của tổ chức tín dụng chứ không phải là xóa nợ.

Các tổ chức tín dụng phải có biện pháp theo dõi để thu hồi nợ triệt để, đầy đủ theo đúng hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận đã ký với khách hàng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục