Sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, đảm bảo an toàn hệ thống điện mùa nắng nóng

Ngoài nỗ lực của ngành điện, cần sự chung tay của các khách hàng trong việc tiết kiệm điện, chủ động chuyển nhu cầu sử dụng điện chưa cấp thiết ra khỏi khung giờ cao điểm để giảm áp lực giờ cao điểm.
Nhân viên EVN kiểm tra đường dây truyền tải điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh tại nhiều địa phương do nắng nóng. Mặc dù các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo cung ứng điện, song vẫn cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, nhất là giai đoạn cao điểm mùa khô.

Tiêu thụ điện liên tục tăng do nắng nóng

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong những ngày đầu tháng 4/2024, sản lượng điện tiêu thụ của Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp tăng cao và vượt đỉnh năm 2023 (94,8 triệu kWh - ngày 6/5/2023).

Cụ thể, sản lượng điện tiêu thụ của Thành phố vượt mốc đỉnh 95,12 triệu kWh trong ngày 3/4; đạt 96,89 triệu kWh trong ngày 5/4. Tiếp đó, lượng điện tiêu thụ đạt đỉnh với hơn 97,87 triệu kWh trong ngày 9/4, tăng hơn 3 triệu kWh so với năm 2023. Đây là sản lượng điện tiêu thụ được ghi nhận cao nhất từ trước đến nay.

Thống kê của Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho thấy, tính đến hết quý 1/2024, toàn thành phố có hơn 2,76 triệu hộ gia đình đăng ký sử dụng điện (tăng hơn 10.000 hộ so với cuối năm 2023. Sản lượng điện thương phẩm tháng 3/2024 đạt 2,623 tỷ kWh (tăng 13,47% so với cùng kỳ năm 2023).

Sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày trong tháng 3/2024 đạt 84,84 triệu kWh/ngày, tăng 8,31% so với cùng kỳ tháng năm 2023 (78,33 triệu kWh/ngày). Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng 10,79%. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC Bùi Trung Kiên cho biết thời tiết trong quý 2 tại Thành phố thường là cao điểm nắng nóng trong năm. Riêng năm nay, nhiệt độ tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả khu vực miền Nam nói chung tiếp tục tăng, dao động từ 36-38 độ C, nhiệt độ thực tế ngoài trời có lúc lên đến 40-41 độ C và số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn.

Đặc biệt, những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5, thời tiết oi bức từ sáng sớm và kéo dài đến đêm nên nhu cầu sử dụng điện tăng lên rất cao. Tần suất sử dụng các thiết bị điện trong nhà, nhất là các thiết bị làm mát, giải nhiệt của các hộ gia đình tăng, máy lạnh được sử dụng thường xuyên hơn dẫn đến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm.

"Dự báo sản lượng điện tiêu thụ trong những ngày tới và cả tháng 5/2024 sẽ tiếp tục tăng cao đến 30-40%. Tổng sản lượng tiêu thụ cực đại toàn thành phố dự báo có thể đạt từ 99-100 triệu kWh/ngày; công suất cực đại đạt gần 4.900MW," ông Bùi Trung Kiên cho hay.

Bảo dưỡng thiết bị điện, giảm thiểu nguy cơ sự cố trong giai đoạn nắng nóng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn tại Hà Nội, mặc dù mới chớm cao điểm nắng nóng song tiêu thụ điện đã tăng mạnh. Đơn cử, từ 7/4-14/4 sản lượng điện năng trong ngày dao động từ 61.372 kWh-69.321 kWh, nhưng đến ngày 16/4 đã tăng lên 75.181 kWh (tăng trưởng 11,5% so với tháng trước).

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết theo dự báo, năm 2024, trên địa bàn cả nước, trong đó có Hà Nội vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khó khăn về cung cấp điện, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (cao điểm hè từ tháng 5 đến tháng 7/2024), dự báo tăng 13%, cao hơn so với kế hoạch khoảng 9,6%. Tại miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với năm 2023.

Đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện

Để chủ động trong công tác bảo đảm cung ứng điện trên địa bàn Thủ đô năm 2024, sẵn sàng ứng phó trường hợp khi Hệ thống điện Quốc gia gặp khó khăn về nguồn điện, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm bảo đảm cung cấp điện liên tục cho thành phố, nhất là trong thời điểm nắng nóng.

Theo đó, toàn thành phố phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng 1,6-1,8% so mức năng lượng dự báo nhu cầu, trong đó tiết kiệm ít nhất 2,2% tổng điện năng tiêu thụ cho các khu vực tiêu dùng.

Song song đó, Hà Nội phấn đấu phát triển năng lượng tái tạo tăng thêm khoảng 67MW từ điện rác (đưa tổ máy số 3 dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn và dự án nhà máy điện rác Seraphin vào vận hành), đưa tổng nguồn năng lượng từ xử lý rác của thành phố đạt khoảng 129,3MW, đồng thời giảm phụ tải đỉnh của hệ thống điện khoảng 100MW (không phải tiết giảm điện do thiếu nguồn).

Ngoài ra, Hà Nội tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát vận hành hệ thống điện an toàn, khoa học, hiệu quả, hạn chế tối đa sự cố, giám sát chặt chẽ đơn vị điện lực trong việc cung cấp điện theo các phương án, kế hoạch được duyệt, bảo đảm nguyên tắc cân bằng, luân phiên, không để một phụ tải, khách hàng bị mất điện nhiều ngày và nhiều lần bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2024 và các năm tiếp theo trên địa bàn.

Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp điều chỉnh phụ tải điện, dịch chuyển công suất tiêu thụ với các khách hàng sử dụng nhiều điện trong Chương trình quản lý nhu cầu điện (Chương trình DR) phi thương mại.

Thành phố cũng chuẩn bị phương án cân bằng điều hòa phụ tải (sản xuất-kinh doanh-hoạt động xã hội-đời sống dân sinh), huy động nguồn tự có để hỗ trợ cấp điện, xây dựng các phương thức vận hành lưới… để triển khai trong trường hợp bất khả kháng hệ thống điện Quốc gia gặp khó khăn, buộc phải tiết giảm để bảo đảm an ninh hệ thống.

“Đây chỉ là phương án dự phòng ứng phó trường hợp bất khả kháng, thành phố luôn nỗ lực để bảo đảm cấp đủ điện, liên tục phục vụ doanh nghiệp và người dân,” lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội khẳng định.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, trước dự báo sản lượng điện tiếp tục tăng cao do nắng nóng gay gắt, EVNHCMC đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp vừa để đảm bảo nguồn điện an toàn; tăng khả năng cung cấp điện, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp và người dân đa dạng hóa các giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả.

Theo đó, EVNHCMC đã xây dựng kế hoạch, kịch bản điều hành chi tiết cho tiết kiệm điện, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, đáp ứng đầy đủ cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; lắp đặt, hệ thống điện dự phòng có công suất từ 40-60% (tùy theo cấp điện áp) đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phụ tải của thành phố theo tất cả các kịch bản tăng trưởng.

Sử dụng hiệu quả nguồn nước, sẵn sàng cho việc vận hành thủy điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để đảm bảo nguồn điện, EVNHCMC đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình tăng khả năng cung cấp điện; tăng cường giám sát và có phương án xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng đầy, quá tải; thực hiện bảo trì lưới điện, xử lý các điểm khiếm khuyết; lập kế hoạch điều chỉnh phụ tải cho năm 2024…

Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đánh giá với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, việc cung cấp điện trong mùa khô năm 2024 cơ bản được đảm bảo, tuy vậy việc đảm bảo này dựa trên kịch bản mọi thứ đều diễn ra bình thường, không có gì đột biến.

Nhưng do phụ tải tăng cao, lưu lượng nước về các tháng cao điểm mùa khô có dấu hiệu thấp hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt là khi xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài liên tục và sự cố nhiều nhà máy nhiệt điện cùng một lúc, ngoài nỗ lực của ngành điện, cần sự chung tay của các khách hàng sử dụng điện trong việc tham gia các chương trình tiết kiệm điện, các chương trình điều chỉnh phụ tải điện, chủ động chuyển nhu cầu sử dụng điện chưa cấp thiết ra khỏi khung giờ cao điểm để giảm áp lực cung ứng điện trong giờ cao điểm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục