Sử dụng đất rừng: “Chân ngoài dài hơn chân trong”

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Gia Nghĩa ( Đắk Nông), một trong những đơn vị trồng rừng kém hiệu quả đã quyết định “thay máu” bằng cách phát triển nghề tay trái “nuôi” công nhân viên.
Trong khi người dân tại nhiều tỉnh miền núi đang lâm vào tình trạng thiếu đất canh tác trầm trọng, bởi áp lực gia tăng dân số, dẫn tới tình trạng di dân tự do thì không ít công ty lâm nghiệp được Nhà nước giao quản lý hàng nghìn hécta đất lại “ngại” đầu tư, phát triển cây rừng với lý do thiếu… vốn. Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Vietnam+ đã tiếp cận với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Gia Nghĩa ( Đắk Nông), một trong những đơn vị trồng rừng kém hiệu quả đã quyết định “thay máu” bằng cách phát triển nghề tay trái “nuôi” công nhân viên. “Bà đỡ” của riêng mình Được giao quản lý hơn 19.000 ha đất để phát triển kinh doanh cây rừng, song nhiều năm nay Công ty Gia Nghĩa sản xuất kém hiệu quả. Toàn bộ diện tích mà công ty này sở hữu, đến nay đã giao thẳng cho toàn bộ công nhân; trong đó có một phần bỏ hoang với lý do thiếu vốn, không thể đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, qua cuộc trao đổi với ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Gia Nghĩa, được biết để giúp công ty có vốn sản xuất, một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đồng ý cho doanh nghiệp này vay nhiều tỷ đồng. Nhưng thay vì “dốc” vào phát triển trồng rừng thì công ty quyết định dành khoảng 10 tỷ đồng vào việc đầu tư nhà hàng-khách sạn, với lý do “nuôi” công nhân viên. Lý giải cho việc làm trên, ông Quân cho rằng đầu tư và chăm sóc 1 ha rừng sẽ mất khoảng 30 triệu đồng gồm cây giống, phân bón và thiết kế địa hình, song phải mất 7 năm mới thu hoạch được 100 khối, với giá bán 60 triệu đồng. “Như vậy, trừ các khoản chi phí, công ty chỉ lãi được 20-30 triệu đồng/7 năm, rõ ràng là quá thấp, thậm chí không thể trả tiền lương cho công nhân viên,” ông Quân nói. Mặt khác, ông Quân cũng khẳng định do thiếu vốn và thu nhập thấp, nên công ty không chuyển đổi đất trồng, bởi không có vốn thì rất khó tạo ra hiệu quả. Mặt khác, công ty cũng không giao khoán cho các hộ dân vì phải chi các khoản đầu tư như: Phân bón, kỹ thuật, nghiên cứu địa hình… Tuy nhiên, theo cách tính của các chuyên gia nghiên cứu về đất rừng thì với 10 tỷ đồng, một công ty lâm nghiệp có thể đầu tư và trồng được hơn 300 ha rừng (tính vốn đầu tư 30 triệu đồng/ha). Còn nếu công ty liên kết với người dân (tức giao thẳng cho người dân, không phải bỏ vốn, mà chỉ nhận 20-25% sản lượng) thì phần diện tích cần giao khoán sẽ tăng lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.

Cơ ngơi của Công ty Gia Nghĩa, với mục đích lấy lãi "nuôi" công nhân viên. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Nhìn nhận thực tế, ông Nguyễn Chí Thung, Chủ tịch xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết, từ những năm 90 trở về trước, quả thực các nông-lâm trường (nay là công ty lâm nghiệp) thực sự đã phát huy vai trò là “bà đỡ” phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. “Tuy nhiên, trong những năm 90 trở lại đây, vai trò ‘bà đỡ’ đó đã không được khẳng định nữa, khi bản thân việc quan tâm, chăm lo cho chính đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên trong các công ty này còn chưa xong,” ông Thung nói. Thực tiễn tại địa bàn xã Quảng Thành cũng cho thấy, Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín thuộc Công ty Gia Nghĩa chỉ có 12 người, nhưng chịu trách nhiệm quản lý 2.700 ha diện tích rừng tự nhiên. “Có thể khẳng định, với kiểu ‘ôm’ nhiều đất nhưng sản xuất kém hiệu quả trên là một trong những căn nguyên mà rừng vẫn bị mất, dân vẫn lấn chiếm. Trong khi đó, Nhà nước thì vẫn phải dành một khoản kinh phí nhất định để duy trì một mô hình không hiệu quả,” ông Thung đánh giá. Dân “thèm” đất sản xuất Trong khi Công ty Gia Nghĩa quản lý kém hiệu quả, có phần “ngại” đầu tư trồng rừng thì theo kết quả nghiên cứu của Viện Tư vấn phát triển, người dân ở nhiều xã, điển hình như xã Quảng Thành lại đang thiếu đất sản xuất. Đây cũng là địa phương đang có nhiều vấn đề bức xúc về lấn chiếm đất đai, cấp đất, chuyển nhượng đất trái phép giữa Công ty Gia Nghĩa và người dân. Cụ thể, theo số liệu báo cáo của Công ty Gia Nghĩa, trong năm 2012 có 118 ha đất bị lấn chiếm, nhưng thực tế là khoảng hơn 7.000 ha, chỉ tính riêng xã Quảng Thành đã có hơn 2.000 ha rừng bị phá và lấn chiếm, để chuyển đổi sang trồng cây càphê, cao su. Ngoài ra, Quảng Thành cũng là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm hơn 11% dân số của xã). Điều đáng lo là hiện xã đang có tình trạng di dân tự do của đồng bào dân tộc ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đến khai phá đất rừng để canh tác, nhưng vẫn chưa thể kiểm soát. Thống kê của vị Chủ tịch xã Quảng Thành cho thấy, hiện địa phương có gần 300 hộ di dân tự do, trong đó chỉ có gần 150 hộ có nhà ở, còn lại đang sống rải rác trong rừng (làm nhà chòi tạm để ở). Nguyên nhân dẫn tình trạng này là do giá càphê tăng, nạn di dân tự do nhiều đã khiến tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai diễn ra ngày càng phổ biến. Điển hình như hộ ông Nguyễn Hữu Đại, quê gốc ở tỉnh Cao Bằng, vì sống nơi vùng đất khó, nhà đông con, nên năm 2003 ông đã quyết định bán toàn bộ tài sản với 7 triệu đồng để vào thôn Nghĩa Tín, xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa đổi lấy 4 ha đất, trồng càphê với hi vọng thoát nghèo. Cũng như ông Đại, hàng trăm hộ dân ở khắp các huyện vùng sâu, vùng xa tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, vì cuộc sống khó khăn, nên đã “ôm” một ít tài sản thẳng tiến vào xã Quảng Thành mua đất của đồng bào ở đây, để an cư lập nghiệp. Đánh giá về việc người dân di cư vào địa phương sinh sống, ông Thung cho biết, đa phần các hộ di dân tự do từ Bắc vào đều thiếu đất sản xuất, nên đã sử dụng các đồi núi trọc, hoặc đất kém chất lượng mà công ty lâm trường quản lý để sản xuất, trồng cây càphê, cao su và các cây nông sản. Để tránh tình trạng xâm lấn tràn lan, đảm bảo an ninh địa phương, ông Thung kiến nghị công ty lâm nghiệp nên bàn giao lại một phần đất cho địa phương để quản lý và phân chia lại cho các hộ dân trên cơ sở từ chính nhu cầu cần đất để sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống. “Là một xã thân thiện với rừng, tôi tin chắc trong công tác bảo vệ rừng, xã cũng có thể làm tốt với chức năng vừa kiểm tra, đôn đốc thậm chí quản lý người dân trong công tác bảo vệ,” ông Thung nói../. Để góp phần phát triển kinh tế, tránh lãng phí tài nguyên đất rừng theo chủ trương của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã chuyển đổi hàng nghìn hécta rừng nghèo để trồng cây cao su. Lợi dụng việc này, nhiều doanh nghiệp không chuyển đổi rừng nghèo mà tập trung vào “xẻ thịt” rừng giàu. Để rồi không ít cánh rừng bạt ngàn gỗ quý đã phải nhường chỗ cho dự án mới.
Mời độc giả đón đọc bài 3 - Chuyển đổi rừng nghèo: Cái cớ “xẻ thịt” rừng giàu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục