Sử dụng căn hộ làm dịch vụ cho thuê theo giờ: ‘Góc khuất’ cần làm rõ

Sử dụng căn hộ làm dịch vụ cho thuê theo giờ: Góc khuất cần làm rõ

Theo Bộ Xây dựng, hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cho rằng việc sử dụng loại hình căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày đang gặp khó khăn, nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, giải thích rõ các quy định liên quan và chế tài xử lý cụ thể.

Cấm kinh doanh căn hộ cho thuê theo giờ

Trước đó, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung: hiện nay việc quản lý loại hình căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày hết sức khó khăn; nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao.

Do vậy, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, giải thích rõ các quy định liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày và chế tài xử lý cụ thể, đảm bảo an toàn, hợp pháp.

Trả lời bằng văn bản sau đó liên quan đến các quy định về việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở, Bộ Xây dựng cho biết tại điểm b khoản 1 Điều 10 của Luật Nhà ở 2014 đã quy định “Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm.”

[Thị trường bất động sản quý 3: Chung cư có mức độ quan tâm cao nhất]

Tại Điều 6 của Luật Nhà ở 2014 cũng đã quy định “nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.”

Ngoài ra, liên quan đến việc sử dụng nhà chung cư, tại Điều 35 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở cũng đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà chung cư như: tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; gây tiếng ồn quá mức quy định của pháp luật hoặc xả rác thải, nước thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật; thực hiện các hành vi nghiêm cấm quy định tại Điều 6 của Luật Nhà ở...

Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở và công sở cũng đã quy định xử lý các hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; kinh doanh vật liệu gây cháy nổ; kinh doanh vũ trường...

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Như vậy, pháp luật về nhà ở đã có quy định với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm,” Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Ủy ban cấp phường có trách nhiệm xử lý

Văn bản của Bộ Xây dựng cũng lưu ý, tại điểm e khoản 1 Điều 39 Thông tư số 02/2016/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư đã quy định các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm chấp hành nội quy, quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng như có trách nhiệm thông báo kịp thời về các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Mặt khác, tại khoản 3 Điều 48 và khoản 2 Điều 49 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư đã có quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp phường, quận trong việc giải quyết, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Do vậy, các chủ sở hữu nhà chung cư khi phát hiện có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thì cần phản ánh kịp thời đến Ủy ban Nhân dân cấp phường, quận nơi có nhà chung cư để các cơ quan này xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Về phía Bộ Xây dựng, trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình, trong thời gian vừa qua, Bộ này cũng đã ban hành nhiều văn bản để đôn đốc, nhắc nhở các địa phương tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư nhằm đảm bảo cho nhà chung cư được an toàn trong quá trình sử dụng.

“Pháp luật nhà ở hiện hành cũng đã quy định về trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện cũng như xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn,” văn bản của Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư và phát hiện kịp thời, xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư nói chung và sử dụng căn hộ vào mục đích không phải để ở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục