Sử dụng cả lính đặc công để lai dắt rùa hồ Gươm

Lực lượng đưa “cụ rùa" về phòng khám lần tới dự kiến sẽ được tăng lên đáng kể với 70 người, trong đó có sự góp sức của lính đặc công.

Lực lượng đưa “cụ rùa" về phòng khám lần tới dự kiến sẽ tăng lên đáng kể với sự tham gia của khoảng hơn 70 người. Trong số đó, đặc biệt còn có sự góp sức của lực lượng đặc công.


Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch Tập đoàn thương mại KAT, người phụ trách đội đánh bắt rùa Hồ Gươm, cho hay, rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, lần bắt này, cơ quan chức năng sẽ huy động tối đa lực lượng.

Theo ông Khôi, hai thợ lặn được mời từ Hải Phòng lần trước sẽ không tham gia đợt vây bắt tiếp theo. Thay vào đó, đội thợ lặn sẽ là 10 người của công ty ông. Đội này sẽ không cần bình ôxy mà trực tiếp lặn, giúp đỡ việc dẫn lưới.

Ngoài ra, trên bờ, ông Khôi sẽ bố trí 40 người để phụ trách việc quản lý thiết bị, kéo lưới.

“Đặc biệt, Quân khu Thủ đô sẽ cử thêm 20 lính đặc công tham gia vào việc đưa ‘cụ rùa' lên bờ,” ông Khôi cho hay.

Như vậy, tính ra, lực lượng lai dắt rùa hồ Gươm lần này có thể lên tới 70 người. Đây là con số khá lớn so với lần trước đó.

Vào lần lai dắt đầu tiên ngày 8/3, lực lượng công nhân của tập đoàn KAT khá mỏng, lại phải ngâm nước từ sáng đến trưa nên phần lớn đều thấm mệt. Do không có sự chuẩn bị trước, lực lượng thanh niên tình nguyện đã phải huy động tới giúp sức trong việc kéo lưới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chính việc tham gia của lực lượng “thiếu chuyên nghiệp” này đã khiến công việc bắt “cụ rùa" không được thuận lợi như mong muốn.

“Những thanh niên này khi gần được bắt 'cụ Rùa' đã quá phấn khích, hò reo, làm rùa hoảng loạn nên rất khó bắt,” ông Khôi nhận định.

Nói thêm về tấm lưới sẽ được dùng cho lần bắt tới, ông Nguyễn Ngọc Khôi khẳng định, lưới do công ty ông chế tạo sẽ là loại lưới rất dày, có xuất xứ từ Nhật Bản. Tấm lưới này sẽ được hoàn thiện trong 1, 2 ngày tới.

Về thời gian tiến hành vây bắt lần tới, theo ông Khôi, thời tiết lạnh liên tục trong những ngày qua khiến đội đánh bắt rùa rất khó để bắt tay vào việc. Đó là chưa kể, thời tiết lạnh như vậy còn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe “cụ rùa "nếu đưa được cụ lên bờ.

“Vì thế, có thể phải đợi tới đầu tuần sau, khi trời nắng ấm lên thì đội mới tiến hành vây bắt tiếp được,” ông Khôi cho hay./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục