Sự cố tàu vỏ thép Bình Định: Mối lợi nhỏ "đâm thủng" chủ trương lớn

Sự cố tàu vỏ thép Bình Định: Mối lợi nhỏ "đâm thủng" chủ trương lớn

Tổ công tác kiến nghị đơn vị đóng tàu phải thay mới toàn bộ 10 máy chính, khắc phục toàn bộ máy phụ và các trang thiết bị hàng hải của các tàu vỏ thép.
Sự cố tàu vỏ thép Bình Định: Mối lợi nhỏ "đâm thủng" chủ trương lớn ảnh 1Hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị hư hỏng phải nằm ở cảng cá Quy Nhơn chờ sửa chữa. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Chiều ngày 26/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành chức năng tỉnh, các đơn vị đóng tàu và chính quyền địa phương một số huyện và thành phố Quy Nhơn để nghe Tổ công tác báo cáo chính thức về kết quả thẩm định, kiểm tra tình hình của 17/18 tàu vỏ thép đóng mới tại tỉnh theo Nghị định 67/CP bị sự cố, đồng thời tìm giải pháp khẩn trương khắc phục để ngư dân tiếp tục được vươn khơi bám biển.

Sau khi thẩm định, Tổ công tác kiến nghị Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nam Triệu phải thay mới toàn bộ 10 máy chính không đồng bộ (trong có có năm máy ký hiệu S6R2-MPTA và năm máy S6R-MPTA) kể cả thay máy hiệu DOOSAN cho ông Trần Đình Sơn, khắc phục toàn bộ máy phụ và các trang thiết bị hàng hải.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nam Triệu và Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương phải khắc phục mới 100% vỏ tàu theo đúng hợp đồng kinh tế đã ký kết về tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã và xuất xứ của các loại thép đóng tàu; cung cấp đầy đủ các tài liệu vận hành, sử dụng vỏ tàu, máy tàu, trang thiết bị hàng hải, khai thác và các điều khoản bảo hành rõ ràng cho từng chủ tàu và đề nghị các cơ sở đóng tàu khẩn trương sửa chữa dứt điểm các sự cố để sớm đưa tàu vào hoạt động.

Đồng thời các cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm bồi thường kinh phí cho các chủ tàu bị sự cố phải nằm bờ không ra khơi sản xuất được trong thời gian chờ đợi sửa chữa.

Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cát, cho rằng tàu mới đóng đã bị sự cố trong lúc ngư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề biển, tàu hư làm ngư dân mất việc làm, mất bạn đi tàu. Chủ tàu còn phải gánh khoản nợ gốc và lãi vay cùng các kinh phí mua bảo hiểm khác đã đến kỳ hạn không thể trả được. Vì vậy các cơ sở đóng tàu phải chịu bồi thường mọi thiệt hại cho ngư dân và phải khắc phục tàu đúng theo hợp đồng kinh tế ký kết giữa các bên.

Theo ông Đặng Thành Thái, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Định, việc làm của các cơ sở đóng tàu và cơ quan giám định đăng kiểm tàu cá do thiếu trách nhiệm và vì quyền lợi riêng đã gây hậu quả không tốt, ảnh hưởng đến chủ trương lớn của Nhà nước cần phải điều tra làm rõ. “Trước mắt các cơ sở đóng tàu phải chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại cho ngư dân,” ông Thái nói.

Đại tá Trần Huy Giáp, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, ngay sau khi tỉnh có chủ trương thành lập Tổ công tác thẩm định, công an tỉnh đã tham gia tích cực và qua thẩm định hồ sơ hợp đồng kinh tế được ký kết giữa chủ tàu và cơ sở đóng tàu rất chặt chẽ.

Theo ông Giáp, đây là một hợp đồng đặc biệt trước sự quan tâm của nhiều bộ ngành Trung ương và địa phương cũng dư luận xã hội. Nhưng rất tiếc trong quá trình thực hiện thì các cơ sở đóng tàu không tuân thủ các điều khoản hợp đồng mà còn làm thay đổi thiết kế tàu, máy móc thiết bị đã làm ảnh hưởng đến chất lượng tàu nên đã có dấu hiệu sai phạm về hợp đồng kinh tế. “Công an tỉnh sẽ tiếp tục điều tra và báo cáo cụ thể lên cấp trên về trách nhiệm của đơn vị và cá nhân để xử lý theo pháp luật,” ông Giáp nói.

[Nước biển mặn và chuyện "con voi có thể chui lọt lỗ kim"]

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Trần Châu cho rằng việc thực hiện đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 là một chủ trương lớn của Nhà nước. Không chỉ hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo mà còn tham gia vào quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh.

Vì vậy, đối với các cơ sở đóng tàu Nam Triệu và Đại Nguyên Dương phải tiếp tục phối hợp với chủ tàu và tổ kiểm định quá trình sửa chữa của tỉnh và các địa phương, phải khẩn trương khắc phục toàn bộ những con tàu bị hư hỏng đảm bảo chất lượng 100% máy móc, vật tư thiết bị mới (theo tiêu chuẩn, qui chuẩn, chủng loại, chất lượng... quy định của hợp đồng kinh tế đã ký kết); trong tháng 7/2017 phải hoàn thành toàn bộ số tàu này, ông Châu nhấn mạnh.

Ông Châu cho biết Trung tâm đăng kiểm nghề cá sẽ kiểm định lại toàn bộ con tàu sau khi sửa chữa trước khi cho tàu tiếp tục ra khơi bám biển. Về bồi thường kinh phí cho ngư dân có tàu bị hư hỏng nằm bờ và chờ sửa chữa thì hai công ty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương phải có trách nhiệm chi trả.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh sớm đề xuất để Ủy ban Nhân dân tỉnh trình các bộ, ngành chức năng Trung ương xem xét giãn nợ, thời gian ân hạn trả nợ, cho các chủ tàu bị sự cố vì chủ tàu không phải là chủ thể gây ra. Đối với công ty Đại Nguyên Dương (không có thiện chí kể từ khi tàu bị hỏng đến nay vẫn không tham gia khắc phục sự cố tàu) nên đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng hướng dẫn chủ tàu khởi kiện công ty này và đề nghị Công an tỉnh hoàn thành hồ sơ kiến nghị Bộ Công an truy tố trước pháp luật, ông Châu cho biết.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Trần Châu đề nghị Ngân hàng Ngoại thương - Chi nhánh Bình Định phải trả lại hai sổ đỏ thế chấp ngân hàng sai với những điều khoản quy định của Nghị định 67. Đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát tình hình kinh tế gia đình của các chủ tàu bị sự cố, tập hợp số liệu chính xác đề xuất chủ trương để tỉnh hỗ trợ về dân sinh trong thời gian không thể ra khơi sản xuất được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục