Sự cố 'phủ bóng đen' lên tiến trình đàm phán hạt nhân Iran

Hãng tin AP (Mỹ) cho rằng vụ tấn công cơ sở hạt nhân Natanz đang phủ bóng đen lớn lên tiến trình nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015.
Cơ sở hạt nhân Natanz ở phía Nam thủ đô Tehran, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AP/Reuters/AFP, một vụ tấn công đã xảy ra tại cơ sở hạt nhân Natanz của Iran ngày 11/4. Hãng tin AP (Mỹ) cho rằng vụ việc này đang phủ bóng đen lớn lên tiến trình nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015.

Cho đến thời điểm này, cả Iran và Mỹ đều không chưa tuyên bố sự việc trên sẽ hủy hoại đàm phán. Tuy nhiên, vụ tấn công này và sự hủy hoại đáng kể năng lực làm giàu urani của Iran làm gia tăng sự không chắc chắn đối với đàm phán ở Vienna.

Vụ tấn công tạo cớ để cả hai phía củng cố hơn nữa quan điểm của mình, dù bên nào cũng muốn giữ đàm phán đi đúng hướng. Theo đó, Tehran muốn Washington gỡ bỏ các đòn trừng phạt gây thiệt hại đến nền kinh tế nước này, bao gồm các biện pháp liên quan chương trình hạt nhân.

Iran khăng khăng yêu cầu các đòn trừng phạt cần phải được gỡ bỏ trước khi nước này quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015 mà cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi từ năm 2018.

Đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cuộc đàm phán này là một ván cờ đầy may rủi và có ý nghĩa to lớn đối với thành quả ngoại giao của ông Biden. Nếu thành công, cuộc đàm phán sẽ có thể cứu vãn điều mà chính quyền tiền nhiệm Barack Obama coi là một trong những thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng của mình.

Ngoài ra, đàm phán thành công cũng sẽ giúp làm chậm các chương trình phát triển hạt nhân của Tehran, mặc dù giới phân tích chỉ trích thỏa thuận này chỉ mở đường giúp Iran phát triển vũ khí hạt nhân chứ không phải chấm dứt hoạt động này.

Tuần trước, đàm phán hạt nhân đã được nối lại. Iran và các cường quốc đã miêu tả không khí đàm phán mang tính “xây dựng." Dự kiến, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào ngày 14/4 tại Vienna. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng đàm phán lần này sẽ “khó khăn và kéo dài."

"Khủng bố” kiểu Israel

Iran chỉ trích Israel là thủ phạm gây ra vụ tấn công gây hủy hoại cơ sở hạt nhân ngầm dưới mặt đất quan trọng của nước này. Về phần mình, truyền thông Israel đã đồng loạt lên tiếng thừa nhận gây ra vụ tấn công song dẫn lời những giới chức giấu tên của Israel.

Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Benjamin Netanyahu tái khẳng định quan điểm của mình rằng Israel sẽ ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, song không đề cập đến vụ Natanz. Phát biểu khi đang tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang thăm tại Jerusalem, ông Netanyahu nhấn mạnh: “Tôi sẽ không bao giờ cho phép Iran đạt được năng lực hạt nhân để thực hiện mục tiêu xóa sổ Israel và Israel sẽ tiếp tục tự bảo vệ mình trước hành động gây hấn và khủng bố của Iran."

[Iran đề nghị Interpol giúp bắt nghi phạm vụ phá hoại cơ sở Natanz]

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố Tehran sẽ “báo thù chế độ Do Thái” vào thời điểm và địa điểm mà nước này sẽ lựa chọn.

Trong khi đó, chính quyền Biden có quan điểm theo kiểu “mũ ni che tai” đối với vụ tấn công, không lên án cũng không hoan nghênh. Nhà Trắng tuyên bố Mỹ không can dự và không có thêm bình luận về những đồn đoán thủ phạm vụ việc.

Đàm phán bị phủ bóng đen

Theo AP, vụ tấn công đã gây ra những phiền toái mới đối với các vòng đàm phán tại Vienna cũng như đối với những nỗ lực của Biden nhằm xoa dịu và trấn an Israel. Thủ tướng Israel đã có mối quan hệ thân thiết với chính quyền Trump do ông Trump đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân và thực hiện chính sách gây sức ép tối đa đối với Tehran.

Chính quyền Biden cho biết sẵn sàng gỡ bỏ hoặc nới lỏng các đòn trừng phạt không thuộc phạm vi thỏa thuận hạt nhân và những đòn trừng phạt đi ngược lại những lợi ích mà Iran kỳ vọng nhận được khi họ tuân thủ thỏa thuận.

Nhiều ý kiến tại Mỹ, trong đó có các nghị sỹ quốc hội, đã bày tỏ quan ngại về việc những biện pháp trừng phạt không liên quan vấn đề hạt nhân như trừng phạt đối với khủng bố, hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo và vi phạm nhân quyền có thể được đưa ra thảo luận tại Vienna. Mặc dù không bình luận cụ thể song chính quyền Biden cho biết sẽ không trao cho Tehran “những viên kẹo ngọt” không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân.

Giới chức Israel cũng bày tỏ quan ngại về điều mà họ lo sợ sẽ là sự trở lại đầy nguy hiểm của Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân và tin tức về vụ tấn công cơ sở hạt nhân Iran bung bét ngay tại thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đang ở thăm Israel.

Dự kiến, vào cuối tuần này, ông Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến Brussels để thảo luận với các đồng minh châu Âu và NATO về những biện pháp cứng rắn có thể áp đặt đối với Iran.

Trước khi ông Blinken và ông Austin chuẩn bị đến Brussels, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bày tỏ quan ngại rằng vụ tấn công có thể ảnh hưởng đến đàm phán. Ông nói với báo giới: “Tất cả những gì chúng ta nghe thấy từ phía Iran sẽ không đem lại điều gì tích cực cho các vòng đàm phán."

Iran không muốn bị “sập bẫy”

Tehran đã cáo buộc Israel là thủ phạm gây ra các vụ tấn công trước đây nhằm vào các cơ sở hạt nhân và các chuyên gia hạt nhân của Iran, bao gồm vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của nước này hồi tháng 11/2020 là ông Mohsen Fakhrizadeh. Tháng 7/2020, một sự cố cũng đã xảy ra tại chính cơ sở Natanz, làm hư hại một tòa nhà tại cơ sở này.

Israel và Iran lâu nay vẫn ngầm kình địch nhau, với việc Israel thường oanh kích các lực lượng là đồng minh của Iran tại Syria. Kể từ tháng 3/2021, hai bên cáo buộc lẫn nhau đã gây ra những vụ tấn công trên biển.

Phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố Tehran sẽ không cho phép vụ tấn công Natanz ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hiện nay. Iran cần tránh “sập bẫy” của Israel.

Nga cho biết đang theo dõi chặt chẽ vụ tấn công mà Moskva gọi là “nghiêm trọng” và nếu xác định được thủ phạm thì cần lên án mạnh mẽ hành động này. Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng phản đối bất kỳ mưu đồ nào nhằm hủy hoại đàm phán Vienna đồng thời nhấn mạnh “sự cần thiết phải làm rõ vụ việc."

Trong khi đó, EU hôm 12/4 đã bổ sung 8 quan chức an ninh Iran, trong đó có lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đầy quyền lực, cùng 3 thực thể vào danh sách đen trừng phạt do liên quan đến một cuộc đàn áp biểu tình vào năm 2019./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục