Sự cố máy tính toàn cầu có thể gây thiệt hại lên tới 1 tỷ USD

Sự cố máy tính khiến hơn 5.000 chuyến bay bị hủy, hàng loạt các ngân hàng, công ty tài chính ngừng giao dịch và nhiều hoạt động kinh doanh, thương mại điện tử, các dịch vụ công cộng… bị ảnh hưởng.

Hành khách bị hủy chuyến tại một sân bay Mỹ do ảnh hưởng sự cố mất điện CrowdStrike. (Ảnh: Getty Images/AFP)
Hành khách bị hủy chuyến tại một sân bay Mỹ do ảnh hưởng sự cố mất điện CrowdStrike. (Ảnh: Getty Images/AFP)

Theo ước tính của các chuyên gia công nghệ thông tin, tổn thất từ sự cố máy tính toàn cầu hôm 19/7 có khả năng lên đến 1 tỷ USD.

Sự cố máy tính xuất hiện do lỗi trong bản cập nhật phần mềm của công ty an ninh mạng CrowdStrike.

Đây được coi là “sự cố công nghệ thông tin lớn nhất trong lịch sử thế giới” dẫn đến hơn 5.000 chuyến bay bị hủy, hàng loạt các ngân hàng, công ty tài chính ngừng giao dịch và nhiều hoạt động kinh doanh từ bán hàng, giao dịch thương mại điện tử cho đến hoạt động của các dịch vụ công cộng… bị ảnh hưởng.

Giám đốc điều hành tập đoàn Anderson Economic Group tại bang Michigan (Mỹ), Patrick Anderson, cho biết vẫn còn quá sớm để có thể tính toán chính xác chi phí của vụ việc, do những hậu quả và ảnh hưởng kéo dài vẫn chưa được khắc phục hết.

Ông nói sự cố, mặc dù đã được khắc phục nhanh chóng, nhưng vẫn đang ảnh hưởng tới nhiều người tiêu dùng và các doanh nghiệp theo nhiều cách khác nhau.

Chi phí có thể đặc biệt cao đối với các hãng hàng không, do mất doanh thu từ các chuyến bay bị hủy, cũng như chi phí nhân công, ảnh hưởng dây chuyền trên các sân bay và cả các rủi ro an toàn có thể xảy ra.

Ông Anderson dẫn chứng về sự cố máy tính (bị tin tặc tấn công) xảy ra gần đây của công ty CDK Global - hãng phần mềm chuyên phục vụ các đại lý ôtô ở Mỹ - đã gây thiệt hại lên tới 1 tỷ USD.

Mặc dù thời gian ngưng hoạt động của vụ việc này kéo dài hơn nhiều, khoảng ba tuần, nhưng nó chỉ giới hạn ở một ngành hẹp.

CrowdStrike đã ngay lập tức có phản ứng với sự cố trong cùng ngày 19/7.

Giám đốc điều hành của công ty George Kurtz khẳng định vụ việc xảy ra không có bất kỳ tác động nào của tấn công mạng. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa đề cập đến việc liệu họ có ý định bồi thường cho những khách hàng bị ảnh hưởng hay không.

Trả lời phỏng vấn của hãng truyền hình CNN (Mỹ), đại diện CrowdStrike cho biết họ chưa thể đưa ra câu trả lời cho vấn đề này vào thời điểm hiện tại.

Các chuyên gia nhận định chắc chắn sẽ có những yêu cầu bồi thường và rất có thể sẽ xảy ra kiện tụng.

CrowdStrike đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực an ninh mạng của ngành công nghệ thông tin toàn cầu. Nhưng doanh thu hàng năm của công ty chỉ xấp xỉ 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia James Lewis, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, có thể có những biện pháp pháp lý chặt chẽ dành cho CrowdStrike trong các hợp đồng với khách hàng của mình, để bảo vệ công ty thoát khỏi các khoản tiền bồi thường khổng lồ. Ông nói: “Tôi đoán rằng các hợp đồng sẽ bảo vệ họ”./.

Thông tin xung quanh sự cố của Microsoft

Thông tin xung quanh sự cố của Microsoft

Microsoft thừa nhận dù chưa tới 1%, tương đương khoảng 8,5 triệu thiết bị chạy hệ điều hành Windows trên toàn cầu, bị ảnh hưởng nhưng sự cố đã gây những tác động lớn đến xã hội và kinh tế.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục