Sự cố Boeing 737 MAX: FAA yêu cầu Boeing nỗ lực sửa chữa lỗi hệ thống

Người phát ngôn FAA cho biết sau khi xem xét lại hệ thống kiểm soát bay của 737 MAX, Boeing sẽ cần thêm thời gian để đảm bảo rằng đã xác định và giải quyết được các vấn đề liên quan một cách phù hợp.
Máy bay Boeing 737 MAX 9 tại nhà máy của Boeing ở Renton, Washington (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay Boeing 737 MAX 9 tại nhà máy của Boeing ở Renton, Washington (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/4, Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã yêu cầu Boeing phải nỗ lực hơn nữa trong việc sửa chữa dòng máy bay 737 MAX trước khi trình lên cơ quan này xem xét lại, động thái có thể khiến loại máy bay này bị cấm hoạt động thêm một thời gian nữa.

Người phát ngôn FAA Greg Martin cho biết sau khi xem xét lại hệ thống kiểm soát bay của 737 MAX, Boeing sẽ cần thêm thời gian để đảm bảo rằng đã xác định và giải quyết được các vấn đề liên quan một cách phù hợp.

FAA sẽ không phê chuẩn phần mềm cài đặt cho đến khi hài lòng với ứng dụng mới được nộp lên.

Trong khi đó, Boeing cho biết sẽ trình FAA gói phần mềm cập nhật dành cho máy bay 737 MAX trong "những tuần tới," chậm hơn so với dự định ban đầu.

Trong một tuyên bố, Boeing khẳng định đang nỗ lực để chứng minh rằng công ty đã xác định và giải quyết mọi yêu cầu chứng nhận cần thiết, và nộp lên FAA khi hoàn tất trong những tuần tới.

[Khoảng lặng bi kịch cho hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ]

Tập đoàn này nêu rõ sẽ thực hiện cách tiếp cận toàn diện và bài bản đối với việc phát triển và thử nghiệm bản cập nhật để đảm bảo độ chính xác.

Sự cố Boeing 737 MAX: FAA yêu cầu Boeing nỗ lực sửa chữa lỗi hệ thống ảnh 1Một bộ phận của máy bay Boeing 737 MAX thuộc Hãng hàng không Ethiopian Airlines tại hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuần trước, Boeing thông báo đã lập trình lại hệ thống cảnh báo MCAS trên thế hệ máy bay 737 MAX để nâng cao tính an toàn cho loại máy bay này.

Boeing hiện đang đẩy mạnh chiến dịch nhằm thuyết phục dư luận rằng Boeing đang giải quyết vấn đề của dòng 737 MAX, trong đó có hệ thống MCAS, vốn bị cho là nguyên nhân dẫn đến hai vụ tai nạn máy bay vừa qua.

MCAS là hệ thống cảnh báo an toàn tự động được lắp đặt trong mẫu 737 MAX 8 giúp máy bay tránh bị rơi vào trạng thái mất điều khiển. Hệ thống này gồm 3 phần, gồm 1 cảm biến, một máy tính dữ liệu bay và một màn hình hiển thị.

Nếu cảm biến của máy bay phát hiện máy bay di chuyển chậm, thiết bị sẽ lệnh cho đầu máy bay chúi xuống. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, phi công đôi khi lại phản ứng bằng cách giành lại quyền kiểm soát và điểu khiển để nâng đầu máy bay ngược lên.

Việc này sẽ khiến máy bay bị chòng chành trên không và trong trường hợp nghiêm trọng, phi công có thể mất kiểm soát, khiến máy bay bị rơi. 

Với một mẫu máy bay nặng hơn như Boeing MAX, có nhiều động cơ tiết kiệm nhiên liệu làm thay đổi khí động lực, mũi máy bay có thể bị hướng lên cao trong một số điều kiện nhất định khi bay ở chế độ người điều khiển.

Các cảm biến góc tấn trên máy bay sẽ cung cấp dữ liệu có thể kích hoạt MCAS tự động điều chỉnh mũi máy bay chúi xuống, nếu nhận thấy có nguy cơ máy bay rơi vào trạng thái mất kiểm soát.

Trong cả hai vụ tai nạn với dòng máy bay này, phi công đã phải cố gắng kiểm soát máy bay vì lỗi cảm biến góc tấn đã khiến hệ thống MCAS được kích hoạt và liên tục tự động điều khiển mũi máy bay chúi xuống khi cất cánh.

Dòng máy bay 737 MAX của Boeing đã bị cấm hoạt động sau vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines vừa qua cướp đi sinh mạng của 157 người và vụ tai nạn của hãng Lion Air tháng 10/2018 khiến 189 người thiệt mạng.

Sau hai vụ việc, các kỹ sư đã tập trung xử lý những khiếm khuyết liên quan đến hệ thống MCAS. Theo giới chức Ethiopia và một số nhà phân tích, hai vụ tai nạn này có nhiều điểm tương đồng về nguyên nhân gây tai nạn.

Theo các nhà điều tra, báo cáo sơ bộ về nguyên nhân rơi máy bay ở Ethiopia sẽ sớm được công bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục