Sự chuyển mình của Việt Nam dưới góc nhìn cựu Đại sứ Graham Alliband

Cựu Đại sứ Graham Alliband cho rằng những thay đổi ở Việt Nam suốt 32 năm qua, tính từ khi ông kết thúc nhiệm kỳ, là vô cùng ấn tượng, gần như mang tính cách mạng.
Cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam Graham Alliband. (Nguồn: FBNV)

Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã có những thay đổi vô cùng ấn tượng, trở thành nền kinh tế phát triển năng động, có mối liên kết quốc tế sâu rộng.

Ông Graham Alliband, cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam, đã có những nhận định, đánh giá về sự chuyển mình của dải đất hình chữ S, đồng thời chia sẻ những kỷ niệm trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam (1988-1991) trong cuộc trao đổi với với nhóm phóng viên TTXVN tại Australia nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973-26/2/2023).

Cựu Đại sứ Graham Alliband cho rằng những thay đổi ở Việt Nam suốt 32 năm qua, tính từ khi ông kết thúc nhiệm kỳ, là vô cùng ấn tượng, gần như mang tính cách mạng.

Từ một xã hội và nền kinh tế lạc hậu, nghèo nàn, chủ yếu dựa vào nông thôn và cô lập với phần còn lại của thế giới, Việt Nam đã phát triển thành một quốc gia thịnh vượng, năng động, hiện đại, có thu nhập trung bình với các mối liên kết quốc tế sâu rộng cả về thương mại lẫn con người.

Ông bày tỏ sự ngạc nhiên trước những chuyển biến thực chất và những dấu hiệu khởi sắc mà ông đã nhìn thấy ở cả các thành phố lẫn các vùng nông thôn của Việt Nam, kể cả ở những vùng núi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số như Hà Giang, Mù Cang Chải.

[Mở rộng hợp tác Việt Nam-Australia về an ninh và thực thi pháp luật]

Đối với cựu Đại sứ Graham Alliband, những thay đổi này rất đáng mừng, bởi chính ông từng chứng kiến những đau thương, sự nghèo khó mà Việt Nam phải trải qua kể từ lần đầu tiên ông làm việc ở Sài Gòn với tư cách là một nhà ngoại giao trẻ năm 1972 và sau đó là ở Hà Nội năm 1978.

Theo ông, tất nhiên ở Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế - hậu quả của sự phát triển kinh tế nhanh chóng, đặc biệt là ô nhiễm và suy thoái đa dạng sinh học của Việt Nam,

Tuy nhiên ông tin tưởng rằng khi Việt Nam phát triển hơn và nhận thức cộng đồng được nâng cao, các hạn chế này sẽ được khắc phục nhanh chóng, các dòng sông và vùng ven biển bị ô nhiễm hiện nay sẽ được phục hồi.

Nhớ lại thời điểm đặt chân đến Việt Nam với tư cách là Đại sứ Australia năm 1988, tức 2 năm sau khi Việt Nam bắt đầu công cuộc “Đổi mới,” ông Graham Alliband cho rằng chính sách “Đổi mới” đã mang lại sức sống và sự năng động mới cho Việt Nam, thúc đẩy sự thay đổi trên nhiều phương diện của đất nước.

“Đổi mới” mang lại hy vọng và khát vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn và khuyến khích sáng kiến của các cá nhân cũng như các doanh nghiệp.

Trong tâm trí ông, hình ảnh điển hình cho bầu không khí mới đầy hy vọng mà “Đổi mới” mang lại là những ngọn đèn đường sáng rực khắp Hà Nội chỉ sau một đêm năm 1989.

Cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam Graham Alliband (ngoài cùng bên trái trong một sự kiện do Đại sứ Australia tại Việt Nam tổ chức. (Nguồn: Australian Embassy

Cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam cũng có ấn tượng khó quên về sự tái sinh của khu vực tư nhân với các cửa hàng, các khu chợ, nhà hàng, quán càphê. Ông nhận thấy ở Việt Nam có một sự háo hức, tìm hiểu về thế giới, và ông đánh giá Việt Nam có thể gặt hái được nhiều thành tựu từ các mối liên kết chặt chẽ hơn.

Theo cựu Đại sứ Graham Alliband, một yếu tố quan trọng của công cuộc “Đổi mới” là Việt Nam mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế.

Với tư cách là Đại sứ, ông đã nêu ra những cơ hội kinh tế mới dưới thời “Đổi mới."

Một trong những thời khắc mà ông vô cùng tự hào trong nhiệm kỳ của mình là khi đích thân thực hiện cuộc gọi điện thoại trực tiếp đầu tiên kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Australia năm 1998, thông qua hệ thống vệ tinh INTELSAT do công ty OTCI của Australia (nay là Telstra) lắp đặt tại Việt Nam.

Liên kết viễn thông mới này đánh dấu sự gia nhập của Việt Nam vào cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.

Có một số lĩnh vực mà với tư cách là Đại sứ, ông đã tạo điều kiện thúc đẩy tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Australia, có thể kể đến việc hai nước ký kết hiệp định thương mại song phương và hiệp định đầu tư; đàm phán về hiệp định lãnh sự; thúc đẩy đầu tư của các công ty Australia vào Việt Nam; trao đổi học thuật và văn hóa; cung cấp cứu trợ thiên tai cho nạn nhân lũ lụt ở Mộc Châu và nạn nhân bão ở đảo Cù Lao Chàm, Quảng Nam và ở Tiền Hải, Thái Bình; cung cấp một chương trình viện trợ khiêm tốn thông qua các cơ quan của LHQ, bao gồm cả đào tạo tiếng Anh; giới thiệu chương trình học bổng tại Đại học Quốc gia Australia chuyên ngành kinh tế cho các nhà nghiên cứu tại Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Để thúc đẩy đầu tư của Australia vào Việt Nam, ông đã có bài phát biểu tại Phòng Thương mại Australia ở cả Hong Kong (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan), trong đó ông dự đoán Việt Nam sẽ trở thành “Con hổ” châu Á tiếp theo.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc mở rộng việc dạy tiếng Anh nếu Việt Nam muốn tham gia cộng đồng quốc tế, ông đã tạo điều kiện cho giáo viên dạy tiếng Anh tình nguyện người Australia đầu tiên làm việc tại Việt Nam, sử dụng một quỹ nhỏ của đại sứ để cung cấp thiết bị cũng như sách giáo khoa tiếng Anh cho các khoa ngoại ngữ của 5 trường đại học ở Việt Nam.

Ông cũng hỗ trợ thiết bị và sách vở để thành lập trung tâm tiếng Anh bán độc lập đầu tiên ở Hà Nội (có lẽ là trên toàn Việt Nam) vào giữa năm 1991, do 2 giáo viên dạy tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) phụ trách. Họ là những người từng được đào tạo tại Australia. Với ông, điều rất đáng khích lệ là các bạn trẻ ở Việt Nam rất thích học tiếng Anh.

Trong bối cảnh năm 2023 Việt Nam và Australia sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cựu Đại sứ Graham Alliband nhắc lại rằng tháng 3/2018, Australia và Việt Nam đã ký thỏa thuận thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Sau đó, một kế hoạch hành động đầy tham vọng đã được thống nhất để triển khai quan hệ đối tác trong giai đoạn 2020-2023, tập trung vào 3 trụ cột: tăng cường gắn kết kinh tế-thương mại; làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác chiến lược-quốc phòng-an ninh; xây dựng quan hệ đối tác tri thức và đổi mới.

Kế hoạch hành động cho thấy bề rộng và chiều sâu của mối quan hệ hiện có, và việc thực hiện triệt để kế hoạch sẽ củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Bước tiếp theo sẽ là nâng mối quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện, qua đó sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, kinh tế xanh và năng lượng sạch.

Ông cho rằng điều may mắn là dù hai nước có các hệ thống chính trị khác nhau, song không có vấn đề thực chất nào gây căng thẳng hoặc xung đột tiềm tàng trong quan hệ song phương. Hai nước có chung cam kết về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, một hệ thống kinh tế quốc tế mở, các mối liên kết giao lưu nhân dân được tăng cường và các nền kinh tế bổ sung cho nhau... tất cả báo trước một mối quan hệ rất hiệu quả và tốt đẹp giữa hai nước trong tương lai.

Cựu Đại sứ Graham Alliband cũng bày tỏ sự vui mừng khi được tiếp tục đóng góp một phần nhỏ vào mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước với tư cách là cố vấn cho chương trình học bổng của Australia dành cho Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục