Sự chèn ép của Mỹ liệu có khiến Trung Quốc từ bỏ hai chiến lược?

Trong cuộc chiến tranh lạnh mới Trung-Mỹ hiện nay, Trung Quốc vẫn đang ở vào môi trường thuận lợi, chủ yếu là do những năm gần đây, Trung Quốc đã có sự điều chỉnh chiến lược và chính sách phát triển.
Công nhân lắp ráp các bộ phận của máy bay Airbus A320 tại nhà máy ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc. (Nguồn: EPA-EFE/ TTXVN)

Tờ Đông phương - nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong - số ra ngày 10/8 cho rằng trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới Trung-Mỹ hiện nay, Trung Quốc vẫn đang ở vào môi trường thuận lợi, chủ yếu là do những năm gần đây, Trung Quốc đã có sự điều chỉnh chiến lược và chính sách phát triển.

Chiến lược lớn thứ nhất là "Sản xuất tại Trung Quốc 2025." Trung Quốc đã không đi theo con đường cũ giống như của Anh, Mỹ và Nhật Bản, khi nền kinh tế vừa phát triển đã vội vã vì lợi nhuận cao của doanh nghiệp mà vứt bỏ công nghiệp, công nghiệp vốn dựa vào sự phát triển sáng tạo khoa học công nghệ, để chuyển thành tiêu dùng và tài chính; hoặc là dựa vào lợi nhuận của đầu tư đối ngoại và nhập khẩu để nâng đỡ kinh tế trong nước, nhưng công nghiệp, khoa học kỹ thuật, việc làm và thu nhập đều không còn.

Điều này được minh chứng rõ nét nhất khi việc làm và thu nhập của người dân Anh, Mỹ và Nhật Bản hiện nay đều không tăng, trái lại còn giảm.

“Sản xuất tại Trung Quốc 2025” chính là chiến lược lớn mà Trung Quốc học theo Đức và cũng hợp tác với Đức, dựa vào sáng tạo khoa học kỹ thuật để nâng cấp công nghiệp.

[Sai lầm lớn của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ]

Trên thực tế, đó là không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của sản xuất trong nước, cũng có thể từ trong đó phát triển sản phẩm mới, ngành nghề mới và sức cạnh tranh mới.

Hiện nay, điện thoại thông minh của Trung Quốc đã vươn tới châu Phi và Nam Á, không còn hạn chế ở các thị trường nhỏ hẹp là các nước phát triển.

Đây chính là tiêu chí đánh dấu vai trò và tiềm năng khổng lồ trong nâng cấp công nghiệp của Trung Quốc.

Sự ứng dụng rộng rãi người máy, dây chuyền sản xuất tự động hóa và thiết kế công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp truyền thống của Trung Quốc như đồ điện gia dụng, cũng như sản xuất hàng tiêu dùng sẽ có cơ hội chuyển biến và nâng cấp.

Nhìn từ sự chuyển biến của Đông Quản, một thành phố du lịch, công nghệ cao và công nghiệp hóa thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, chúng ta có thể nhận thấy tác dụng của việc nâng cấp công nghiệp đối với nâng cấp xã hội.

Chiến lược lớn thứ hai là sáng kiến “Vành đai và Con đường.” Trọng tâm của chiến lược này không phải là doanh nghiệp Trung Quốc theo đuổi mục tiêu lợi nhuận cao tại hải ngoại, mà là Trung Quốc hỗ trợ hàng tỷ người dân tại các nước đang phát triển tiến hành công nghiệp hóa, thúc đẩy sự chuyển biến về kinh tế và xã hội tại các nước đang phát triển.

Một mặt là nhằm tranh thủ thị trường lớn hơn nhiều lần của các nước đang phát triển so với các nước phát triển, giúp Trung Quốc tăng cường sức cạnh tranh công nghiệp. Mặt khác, thúc đẩy những nước này phát triển ổn định cũng là giúp cả thế giới thay đổi theo.

Nói tóm lại, sự chèn ép, bóc lột của liên minh bá quyền Anh-Mỹ đối với thế giới chắc hẳn sẽ đối mặt với nhiều thách thức ở khắp mọi nơi và dẫn đến tan rã.

Hơn nữa, khả năng cao rằng sự chèn ép và tấn công của Mỹ hiện nay sẽ không thể khiến Trung Quốc từ bỏ hai chiến lược lớn là “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” và “Vành đai và con đường”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục