Trang mạng eurasiareview.com đã đăng bài phân tích về sự cạnh tranh giữa các nước lớn tại khu vực Trung Đông, nội dung như sau:
Hiện nay, 3 cường quốc bên ngoài - gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga - là những nhân tố hàng đầu đằng sau sự cạnh tranh nước lớn ở Trung Đông.
Hậu quả của các cuộc nổi dậy Mùa Xuân Arab, sự suy giảm của trật tự thời hậu Chiến tranh Lạnh và sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng giữa các cường quốc một lần nữa dẫn đến sự cạnh tranh nước lớn tại khu vực này.
Trung Đông - với lượng hydrocacbon phong phú, vị trí địa chính trị chiến lược, các tuyến đường biển quốc tế quan trọng và các điểm nghẽn, từ Kênh đào Suez và Bab al-Mandab đến eo biển Hormuz - là một địa điểm tự nhiên cho sự cạnh tranh của các cường quốc trong nhiều năm.
Sự cạnh tranh của các cường quốc - kết hợp với những rạn nứt đã tồn tại trong khu vực giữa Iran, các quốc gia Arab theo dòng Sunni do Saudi Arabia đứng đầu, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ - đã đặt dấu ấn tiêu cực lên sự ổn định của khu vực.
Trong sự cạnh tranh giữa các cường quốc và cạnh tranh khu vực ở Trung Đông, có ít nhất 5 xu hướng định hình môi trường chiến lược Trung Đông hiện nay, đó là:
Thứ nhất, các cuộc xung đột kéo dài trong khu vực, từ các cuộc chiến ở Syria đến Libya và Yemen;
Thứ hai, sự cạnh tranh đang diễn ra giữa liên minh do Saudi Arabia cầm đầu với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này;
Thứ ba, các động thái căng thẳng giữa Mỹ và Iran với khả năng leo thang thành các vụ bạo lực;
Thứ tư, sự hiện diện ngày càng lớn trên trường quốc tế của các quốc gia Arab vùng Vịnh nhỏ hơn (Qatar và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cùng những nước khác) và cuộc khủng hoảng nội bộ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) năm 2017;
Thứ năm, hậu quả kinh tế của đại dịch COVID-19 và những ảnh hưởng tiềm tàng của nó đối với an ninh của Trung Đông.
5 yếu tố này sẽ vẫn rất quan trọng vì chúng không chỉ ảnh hưởng đến triển vọng chiến lược của các khu vực mà còn ảnh hưởng đến mô hình cạnh tranh nước lớn ở Trung Đông giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Theo Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ năm 2017 do Chính quyền Trump ban hành, “sự cạnh tranh giữa các cường quốc đã quay trở lại” và cụ thể hơn là Trung Quốc và Nga đang “thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ, cố gắng làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ.”
Mỹ đã chính thức thay đổi trọng tâm chính sách đối ngoại của mình thành sự cạnh tranh nước lớn, coi Trung Quốc và Nga là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của họ, khu vực Trung Đông trở thành mối quan tâm chiến lược ngày càng lớn đối với cả Bắc Kinh lẫn Moskva, và sẽ tiếp tục là một chủ đề cạnh tranh quan trọng dưới thời chính quyền Biden.
Điều đáng nói là 2 chính quyền Mỹ gần đây nhất (thời Obama và Trump) đã gửi đi những tín hiệu không rõ ràng về cam kết của Mỹ đối với hòa bình và an ninh ở Trung Đông.
Về độ tin cậy, sự do dự của Obama trong việc can thiệp vào Syria và quyết định bất ngờ của Trump khi rút quân Mỹ khỏi nước này đã vấp phải các phản ứng tiêu cực từ các đồng minh khu vực của Mỹ.
Họ dần dần lo ngại về sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông. Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên khi các cường quốc khu vực bắt đầu đặt câu hỏi về việc Mỹ sẽ còn cam kết bảo vệ các nguồn năng lượng và các tuyến đường biển trong khu vực bao lâu nữa nếu như Mỹ được cho là thực sự rời khỏi khu vực.
Tuy nhiên, bất chấp vị thế khu vực đang suy yếu, Mỹ vẫn là lực lượng bên ngoài mạnh nhất ở Trung Đông. Sức mạnh chính trị và quân sự của Washington, cùng với truyền thống ngoại giao lâu đời trong khu vực và sự ủng hộ của các đồng minh địa phương (bao gồm Israel, Saudi Arabia và UAE), đã giúp Mỹ duy trì một lực lượng hàng đầu trong khu vực trong nhiều năm.
Nếu chỉ xét từ góc độ an ninh, vị thế của Mỹ trong khu vực rất khó bị thách thức bởi bất kỳ cường quốc nào từ bên ngoài hoặc bên trong khu vực.
Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 có thể làm thay đổi một số đặc điểm trong chính sách của nước này với Trung Đông, nhưng không có khả năng dẫn đến sự thay đổi mang tính kiến tạo liên quan đến vai trò của quốc gia này trong khu vực.
[Dự báo chính sách Trung Đông của chính quyền ông Joe Biden]
Chính sách Trung Đông mới nhất của Nga có thể được coi là một chiến lược với các mục tiêu hạn chế và nguồn lực tương đối khiêm tốn.
Điện Kremlin dường như coi cách hành xử của mình trong khu vực như một cơ hội để xây dựng uy tín quốc tế mà không cần bất kỳ sự can dự mạnh mẽ nào.
Điều này thể hiện qua sự can thiệp quân sự vào cuộc chiến Syria, sự thắt chặt quan hệ kinh tế với Ai Cập và Algeria và tăng cường bán vũ khí cho các cường quốc trong khu vực.
Hơn nữa, sự hiện diện ngoại giao, kinh tế và quân sự của Moskva ở Trung Đông không chỉ được hiểu dưới góc độ phản ứng với những khoảng trống quyền lực và sự yếu kém của các tác nhân bên ngoài trong khu vực, mà còn trong bối cảnh Điện Kremlin có cách tiếp cận chủ động với các vấn đề quốc tế trong nỗ lực giành lại vị thế cường quốc và thiết lập lại trật tự quốc tế.
Với sự can thiệp của Nga vào Syria, theo đó hỗ trợ thành công cho chế độ Bashar al-Assad trước mọi áp lực của phương Tây, Moskva đã củng cố vị thế trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc trong khu vực.
Sau sự can dự của quân đội Nga trong cuộc chiến ở Syria, Moskva đã nhận thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các nước trong khu vực với vũ khí của Nga (Ai Cập, Qatar và Saudi Arabia) và đã gia tăng hoạt động trong các nỗ lực ngoại giao trong khu vực.
Ngoài những mối quan tâm được Nga chính thức thừa nhận trong khu vực - như ngăn chặn hoặc chống lại sự gia tăng của các phong trào thánh chiến cực đoan, mở rộng hợp tác kinh tế và bảo vệ lợi ích năng lượng của Nga - Điện Kremlin đã tìm cách định vị mình như một cường quốc đáng gờm ở Trung Đông mà phương Tây, và đặc biệt là Mỹ, phải tính đến.
Cho đến nay, Moskva dường như hài lòng với vị thế mới của mình ở Trung Đông. Nga đã được nhiều bên trong khu vực coi là trung gian hòa giải và là nhà cung cấp vũ khí thay thế Mỹ, Anh và Pháp.
Điều thậm chí còn quan trọng hơn đối với vị thế của Nga ở Trung Đông sau cuộc nổi dậy Mùa Xuân Arab là Nga đang được coi là một cường quốc giúp duy trì nguyên trạng, cam kết duy trì mối quan hệ với các chế độ chuyên quyền và hoàng gia trong khu vực thay vì hỗ trợ các lực lượng để thúc đẩy sự thay đổi chính trị.
Trong khi đó, từ trước đến nay, các nhà chức trách Trung Quốc coi Trung Đông là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên và dầu thô chính.
Mặc dù các lợi ích của Trung Quốc ở Trung Đông chủ yếu mang bản chất kinh tế, nhưng gần đây họ cũng đã chuyển sang kết hợp với các mối quan tâm chiến lược.
Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) đã trở thành một trong những yếu tố giúp mở rộng đáng kể ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông và Bắc Phi.
Chính điều này đã nâng cao vị thế trong cuộc cạnh tranh quyền lực khu vực giữa các cường quốc lớn bên ngoài.
Tuy nhiên, chỉ xét trên bình diện kinh tế, Bắc Kinh cũng kiên trì trở thành một trong những nhân tố trung tâm về thương mại ở Trung Đông, giao dịch với các cường quốc khu vực ở Vùng Vịnh, khu vực Levant và Bắc Phi.
Chẳng hạn, Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Saudi Arabia và đối tác thương mại lớn thứ 2 của Israel.
Các lợi ích của Trung Quốc chủ yếu liên quan đến dầu mỏ và tài nguyên năng lượng, nhưng cũng mang khía cạnh quân sự và công nghệ đối với sự hiện diện của họ ở Trung Đông.
Mặt khác, Trung Quốc cũng duy trì mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Iran, một thực tế không nên bỏ qua trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu Mỹ-Trung và mối quan hệ cực kỳ căng thẳng Mỹ-Iran.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế và chính trị hiện nay đang bị ảnh hưởng mạnh bởi tác động của dịch COVID-19, sự cạnh tranh nước lớn ở Trung Đông có thể chậm lại trong ngắn hạn nhưng về lâu dài, sự cạnh tranh giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga có thể gia tăng do những giọng điệu đối đầu của các cường quốc này và khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa được phóng đại bởi đại dịch.
Bắc Kinh sẽ chơi “trò chơi lâu dài” của mình trong khu vực bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế và đầu tư trên khắp Trung Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể áp dụng chiến lược tiếp cận gián tiếp và tinh tế hơn đối với các đối tác vì chính sách của họ ở Trung Đông có thể sẽ vẫn “thực dụng và hạn chế”.
Moskva sẽ cố gắng duy trì vị thế ngoại giao của mình trong khu vực, trong khi vẫn để mắt đến sự hiện diện quân sự ở Syria và Libya.
Ngoài ra, nếu tình hình cho phép, Nga sẵn sàng mở rộng xuất khẩu vũ khí sang các đồng minh khu vực truyền thống của Mỹ (Iraq, Qatar, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ).
Trung Quốc và Nga chia sẻ lợi ích trong việc phá vỡ sự thống trị của Hải quân Mỹ ở vùng Vịnh và chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Cả Bắc Kinh và Moskva đều có chung mục tiêu là hất đổ vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Việc thiết lập các thành trì ngoại giao, kinh tế và cuối cùng là quân sự ở Trung Đông sẽ là những bước đi cần thiết theo hướng đó.
Trong khi đó, Washington không có khả năng từ bỏ vai trò của mình trong khu vực và sẽ vẫn là lực lượng quân sự bên ngoài mạnh nhất ở Trung Đông.
Mặc dù sức mạnh tương đối của Mỹ trong khu vực đã suy giảm, những diễn biến gần đây ở Trung Đông - bao gồm mối quan hệ hợp tác giữa Israel, UAE và Bahrain (Hiệp định Abraham) - có thể củng cố vị thế của Washington, đặc biệt trong bối cảnh hình thành một liên minh chống Iran.
Cuối cùng, với chính sách thắt lưng buộc bụng và thận trọng của các cường quốc bên ngoài do đại dịch COVID-19, ở một mức độ lớn, các động lực cơ bản của sự cạnh tranh sẽ được định hình bởi các cường quốc khu vực như Iran, Saudi Arabia, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và sức mạnh đang lên của UAE cũng như các đối thủ cạnh tranh ở Trung Đông./.