Sự cẩn trọng phòng chống COVID-19 phải đi đôi với hành động thông thái

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh đến việc phòng dịch, không được chủ quan, lơ là, nhưng cũng không vì thế mà lo sợ, hoảng loạn, mất bình tĩnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi họp khẩn cấp tối 6/3. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sự việc một nữ bệnh nhân trẻ tuổi đi du lịch nước ngoài về, dương tính với SARS-CoV-2, đã làm dấy lên sự lo lắng đặc biệt trong dư luận nhân dân.

Sự lo lắng này là dễ hiểu, bởi ai cũng quan tâm đến sức khỏe, tính mạng của bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, sự lo lắng nhiều khi đến từ những người chưa hiểu hết thực hư, mà hiệu ứng đám đông đã lan truyền khủng khiếp những thông tin thiếu kiểm chứng, thiếu chuẩn xác, khiến sự việc thêm rối rắm và bị xô lệch, bóp mép so với thực tế.

Câu chuyện về dịch bệnh COVID-19 có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu, từ quán xá vỉa hè, càphê, bia hơi hoặc nơi công cộng, rồi "năm người mười ý" càng thêm hoang mang lo lắng trong dư luận.

Rồi vì quá lo lắng mà hành động thiếu khôn ngoan, a dua theo số đông. Ngay khi có thông tin về ca bệnh COVID-19 thứ 17, từ sáng sớm, tại các cửa hàng tạp hóa, người dân xếp hàng dài chờ mua hàng hóa, nhu yếu phẩm nhằm tích trữ phòng dịch.

Thời đại công nghệ thông tin phát triển, có lẽ phần lớn người dân đều tham gia mạng xã hội và đều là thành viên của nhiều nhóm, hội như nhóm thể thao, nhóm du lịch, nhóm ăn chơi, nhóm gia đình, nhóm đồng niên, nhóm khu dân cư…

Tại đây, mọi người thỏa thích "quăng" lời bình chưa kiểm chứng, hay những bức ảnh sưu tầm được qua các nguồn chưa được kiểm chứng, rồi những thông tin, hình ảnh kiểu "hổ lốn" đó lại được gửi đi theo cấp số nhân.

[Hà Nội chưa bỏ lỡ "thời cơ vàng" phòng, chống dịch bệnh COVID-19]

Điều đáng nói, nhiều người thậm chí là cán bộ, viên chức Nhà nước, phóng viên báo chí, hay thậm chí là những người có chức sắc, địa vị, nên việc đăng tải hay chia sẻ hình ảnh có sức ảnh hưởng lớn đến số đông, nhưng một thực tế là chính những người này cũng đang không hiểu nguồn thông tin mình chia sẻ từ đâu.

Có thể thấy, sau khi có thông tin một người bị nhiễm bệnh, trên các trang mạng xã hội đầy rẫy thông tin và cảm xúc nhiều chiều; dường như thời lượng đăng bài đã chiếm hầu hết trên các trang mạng và trang cá nhân.

Chuyện chẳng có gì để bàn và lên án nếu như mọi người đều ý thức, chia sẻ những thông tin chính thống từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch hoặc là từ các cơ quan báo chí chính thống.

Đằng này, đầy rẫy và tràn ngập những thông tin thất thiệt, xuyên tạc, thêm thắt, bóp méo, gây rối loạn tình hình. Nhiều người đăng tải chỉ vì lo lắng, hiếu kỳ, bị kích động; nhưng không ít người có mục đích xấu, lôi kéo, phá hoại một cách rất rõ ràng.

Đơn cử như hình ảnh được chụp lại màn hình từ một nick name Facebook được gán ghép cho là của cô gái nhiễm bệnh với dòng trạng thái: "Bệnh tình rất yếu, suy kiệt sức khỏe và xin lỗi người dân cả nước;" hay là một trang tin không chính thống đưa tin: "Có 2 ca nhiễm COVID-19 mới, một ở Times City, một ở khu vực Đại học Bách Khoa;" hoặc là hình ảnh tràn ngập, không chuẩn xác về việc cô bé nhiễm bệnh đi dự sự kiện khai trương cửa hàng thời trang; hay là dùng hình ảnh cá nhân của người bệnh để bêu rếu, lăng mạ cá nhân...

Theo công an Hà Nội, những hành động này luôn được lực lượng an ninh nắm bắt, thực tế đã xử lý hình sự, tới đây sẽ có các biện pháp mạnh để ngăn ngừa.

Những ngày qua, các cấp chính quyền Hà Nội căng hết sức mình, họp chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch; cả hệ thống chính trị vào cuộc ở mức cao nhất với một mục tiêu duy nhất là "An toàn cho nhân dân."

Các cơ sở y tế, nơi vui chơi công cộng, phương tiện đi lại cho nhân dân đều được thành phố quan tâm, chăm lo chu đáo. Hệ thống hàng trăm trường học được lau chùi dọn dẹp, xử lý hóa chất hàng ngày, hàng tuần, khi các cháu đang nghỉ học, để khi quay lại trường được an toàn hơn.

Phun thuốc khử trùng lần thứ 6 tại trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Nếu thấu hiểu được sự vất vả, tốn kém công sức, tiền của của chính quyền, chắc chắn chúng ta sẽ có hành động, ứng xử hợp lý hơn, với tính chất xây dựng và chung tay vun đắp, chí ít là những tiếng nói tích cực để lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Đặc biệt, người dân cần thái độ và hành động chuẩn mực, nhất là khi chưa rõ nguồn tin thì cần thẩm định lại qua các cơ quan, tờ báo, trang thông tin điện tử chính thống. Chính mình hiểu rõ thông tin, các chủ trương, quy định, cũng chính là để bảo vệ bản thân và gia đình, cũng là đồng hành cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Kinh nghiệm chống dịch bệnh của đất nước đã để lại nhiều bài học đắt giá và đáng để suy ngẫm. Nhiều loại dịch bệnh trên thế giới đều du nhập, lây nhiễm vào nước ta như dịch SARS, H5N1… vì công tác phòng ngừa, hiểu biết của người dân chưa tốt, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó nên dịch bệnh ảnh hưởng sâu rộng ra nhiều tỉnh, thành.

Nhận thức chưa đầy đủ, hành động cũng khó thông. Vì vậy, những lúc khó khăn, thậm chí lâm nguy hơn ai hết, mỗi người phải tự ý thức, ngoài cẩn trọng thì cần phải thông thái. Đặc biệt, công tác phòng chống dịch khó thành công khi đại bộ phận nhân dân hoang mang, lo lắng.

Xin lấy một hình ảnh minh họa khi hỏa hoạn xảy ra tại các tòa nhà cao tầng hay chung cư, quán karaoke ở Hà Nội trong thời gian vừa qua.

Khi đốm lửa bùng cháy, người dân chạy tán loạn, mỗi người một hướng, mà không biết chạy hướng nào để an toàn hơn; thậm chí lúc rối bời chỉ biết chạy ra rồi chạy vào và ẩn nấp vào chỗ nguy hiểm nhất và kết quả nhiều người bị tử vong.

Tại cuộc họp khẩn cấp vào tối 6/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh đến việc phòng dịch, không được chủ quan, lơ là, nhưng cũng không vì thế mà lo sợ, hoảng loạn, mất bình tĩnh; cần đặc biệt lưu tâm tới công tác thông tin tuyên truyền để mỗi người dân ngoài việc tự bảo vệ mình, cần khai báo kịp thời tình trạng sức khỏe, lộ trình đã đi, cùng hành động có trách nhiệm để bảo vệ cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục