Sự can thiệp từ bên ngoài tác động đến căng thẳng chính trị Venezuela

Sau cuộc đảo chính bất thành, chính quyền của Tổng thống Maduro khẳng định, Venezuela đang kiểm soát hầu hết lãnh thổ và kêu gọi những người còn ủng hộ phe đối lập thay đổi quan điểm của mình.
Sự can thiệp từ bên ngoài tác động đến căng thẳng chính trị Venezuela ảnh 1Tổng thống Nicolas Maduro phát biểu trong chuyến thị sát cuộc diễn tập của Lực lượng vũ trang quốc gia Bolivar (FANB) tại thành phố El Pao, Venezuela, ngày 4/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng theamericanconservative.com đưa tin Venezuela, từng là quốc gia giàu có nhất ở Mỹ Latinh, hiện đã lâm vào tình trạng căng thẳng chính trị suốt nhiều năm qua.

Lạm phát ở mức cao. Người dân Venezuela phải vất vả để tìm thức ăn nuôi sống gia đình.

PDVSA, công ty dầu khí quốc doanh và là nguồn huyết mạch tiền mặt chính của đất nước, đã bơm ngày càng ít dầu thô vào thị trường kể cả trước khi Washington đưa ra lệnh trừng phạt công ty này.

[Nga lập nhóm chống lại việc Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela]

Tình hình chính trị ngày càng trở nên căng thẳng khi Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập và là người đứng đầu Quốc hội, tuyên bố hồi tháng 1/2019 rằng việc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tái đắc cử vào 2018 là bất hợp pháp và khẳng định ông chính là Tổng thống lâm thời của Venezuela.

Hơn 50 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã ủng hộ tư cách tổng thống lâm thời của Guaido.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn luôn khẳng định phải thay đổi chế độ hoàn toàn. Tuy nhiên, ông Maduro vẫn cố gắng bám trụ bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt từ Washington, bao gồm các lệnh cấm thị thực và đóng băng ngân hàng đến việc cắt giảm xuất khẩu dầu. Điều này được minh chứng rõ ràng trong suốt thời gian vừa qua.

Bất chấp lời kêu gọi đầy thống thiết của Guaido yêu cầu ông Maduro từ chức, các cuộc biểu tình mà Guaido dẫn dắt đã hoàn toàn thất bại, giúp ông Maduro tuyên bố chiến thắng trước cuộc đảo chính.

Ông Guaido đã vượt qua giới hạn. Nếu bạn là một chính trị gia vô danh trong cơ quan lập pháp của Venezuela và muốn trở thành một nhân vật nổi tiếng trong vòng chưa đầy 1 năm, bạn cũng có thể phải trải qua cảm giác “bất khả chiến bại.”

Và nếu bạn nhận được sự ủng hộ của các quan chức cấp cao nhất của cường quốc mạnh nhất thế giới, rồi họ đưa ra các lệnh trừng phạt đối với kẻ thù của bạn, có lẽ thậm chí bạn còn có nhiều lý do hơn để tiếp tục "diễu võ dương oai."

Guaido không muốn đầu hàng ông Maduro. Hôm 30/4, được bao quanh bởi các thành viên bất mãn của quân đội Venezuela gần căn cứ La Carlota ở Caracas, nhà lãnh đạo phe đối lập đã cam kết sẽ tiếp tục cuộc chiến và thúc giục các sỹ quan cấp cao cũng như các binh lính của Venezuela hãy chọn Hiến pháp thay vì ông Maduro.

Guaido nói: “Hỡi người dân Venezuela, chúng ta sẽ tiếp tục xuống đường cùng với các lực lượng vũ trang cho đến khi chúng ta chấm dứt được việc tiếm quyền, vốn đã không thể đảo ngược."

Về phía Washington, Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Thượng nghị sỹ Marco Rubio đều ủng hộ động thái này.

Phó Tổng thống Pence đăng tải trên mạng xã hội Twitter rằng: “Chúng tôi đứng về phía các bạn! Nước Mỹ sẽ sát cánh cùng các bạn cho đến khi tự do và dân chủ được khôi phục."

Phát biểu trong một cuộc họp báo hiếm hoi bên ngoài Nhà Trắng, cố vấn Bolton khẳng định rằng tương lai của Venezuela hậu Maduro luôn được các quan chức Mỹ đặc biệt quan tâm.

Ông nói: “Chúng tôi đã lên kế hoạch cho những gì chúng tôi gọi là ngày sau thời kỳ Maduro khá lâu rồi. Điều rất quan trọng trong tâm trí của chúng tôi đó là chúng tôi có thể hỗ trợ rất nhiều cho chính phủ của Guaido khi ông nắm quyền lực để cố gắng đưa người dân Venezuela thoát ra khỏi hố sâu mà Maduro đã đẩy họ vào."

Cuối cùng, chúng ta vẫn không biết được cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela sẽ đi đến đâu. Các khả năng là vô tận. Hiện tại, đất nước đang rơi vào một khoảng không, khi Guaido cố gắng hết sức để kích động một cuộc nổi loạn từ trong hàng ngũ của quân đội, ấy vậy mà ông Maduro cho đến nay vẫn giữ được quyền kiểm soát những binh lính của mình.

Đại đa số quân đội vẫn đứng về phía Tổng thống Maduro, có lẽ vì lo sợ cho cuộc sống của họ hoặc lo ngại về khả năng kích động một cuộc nội chiến.

Tất cả điều này có thể kết thúc bằng việc ông Maduro đưa ra quyết định từ chức và tìm kiếm nơi ẩn náu, mặc dù điều đó rất khó xảy ra trừ khi những người ủng hộ ông trong quân đội lật đổ ông.

Ngoài ra, cũng có thể xuất hiện một sự chia rẽ trong các lực lượng vũ trang Venezuela giữa các phe ủng hộ và phe chống Maduro, điều này sẽ gây ra một cuộc nội chiến, khiến nhiều người dân lâm vào cảnh tị nạn và dẫn đến một thảm họa kinh tế thậm chí còn thảm khốc hơn nhiều.

Các nước láng giềng của Venezuela có thể sẽ đẩy mạnh và tổ chức một liên minh Mỹ Latinh sẵn sàng trợ giúp, mặc dù điều này cũng rất xa vời, bởi nó cần vốn chính trị để tạo ra một chiến dịch như vậy.

Hoặc, trong một kịch bản rất có thể xảy ra, Venezuela có thể phải trải qua một thời kỳ nghiêm trọng hơn trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Tuy nhiên, dù bất cứ điều gì xảy ra, Mỹ nên xem xét lại những thôi thúc thay đổi chế độ của mình. Xu hướng ở cả hai đảng chính trị tại Washington trong việc nắm quyền xử lý vấn đề Venezuela và khắc phục nó bằng một giải pháp do Mỹ đặt ra phải được giảm bớt để nhường chỗ cho sự thận trọng và kiềm chế vốn thường bị xem nhẹ.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần phải hiểu rằng chính người dân Venezuela mới là những người có quyền thay đổi xã hội của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục