Sự biến đổi của các mẫu thiết kế từ sàn diễn đến cửa hiệu thời trang

Bạn có bao giờ tự hỏi những mẫu thiết kế từ sàn runway (sàn diễn thời trang) sẽ được chỉnh sửa như thế nào khi được xuất hiện trên giá treo tại các cửa hàng?

Bạn có bao giờ tự hỏi những thiết kế từ sàn runway (sàn diễn thời trang) sẽ được chỉnh sửa như thế nào khi được xuất hiện trên giá treo tại các cửa hàng?

Đôi khi bạn sẽ nhìn thấy những thiết kế có phần lập dị được những người mẫu khoác lên mình trong những buổi trình diễn, và tự hỏi: ai sẽ mua những thiết kế này ngoài đời thực? Tuy nhiên, sàn diễn thời trang không phải là nơi để bán quần áo.

Đó là nơi những nhà thiết kế tạo ra giấc mơ, đồng thời đánh bóng hình ảnh thương hiệu và thể hiện đẳng cấp của mình. Còn việc kinh doanh thuộc về các cửa hàng, và công việc của họ là lựa chọn ra các thiết kế mà khách hàng có-thể-mua-được.

Khi một nhà thiết kế bắt tay vào thực hiện một bộ sưu tập ứng dụng (ready-to-wear), việc đầu tiên của họ là tạo nên một loạt các thiết kế thương mại, bao gồm tất cả những gì sẽ được bán trong các cửa hàng như váy, áo khoác, áo choàng, quần…

Những thiết kế này phải đảm bảo được các tiêu chí dễ mặc để dễ bán và không quá tốn kém để sản xuất.

Một thiết kế trong bộ sưu tập Thu Đông 2014 của Prada. (Nguồn ảnh: Vogue)
Nữ ca sỹ người Anh Lily Allen (trái) trong một thiết kế đã chỉnh sửa từ bộ sưu tập Chanel Metiers d'Art Paris-Byzantine 2011. Dễ dàng nhận ra rằng chiếc áo của nữ ca sỹ đã được lược bỏ gần như toàn bộ những chi tiết đính đá cầu kỳ.  (Nguồn ảnh: Vogue)
Thiết kế từ bộ sưu tập Thu Đông 2012 của Balenciaga trên sàn diễn (phải) và ngoài đời thực. Một họa tiết in đặc biệt đã được phát triển trên những mẫu trang phục khác nhau. Dĩ nhiên một mẫu áo phông đơn giản sẽ dễ bán hơn.  (Nguồn ảnh: Vogue)
Dù đã được lượt bỏ rất nhiều những chi tiết rườm rà và thay đổi chất liệu, nhưng bộ sưu tập trình diễn (show piece - ảnh trái) và bày bán (commercial piece) của Alexander McQueen Thu Đông 2009 vẫn có những điểm tương đồng.  (Nguồn ảnh: Vogue)
Không phải sự thay đổi nào cũng “cực đoan” như trường hợp trên. Nhà thiết kế Miuccia Prada (trái) mặc một bộ trang phục của Miu Miu với những sự thay đổi cần thiết để đạt được tiêu chí dễ mặc và dễ bán.  (Nguồn ảnh: Vogue)
Một thiết kế từ bộ sưu tập Thu Đông 2013 của Lanvin được biến tấu thành một thiết kế đầm cưới nền nã mà Kim Kardashian đã mặc trong một bộ hình trên Vogue tháng 4/2014 (trái).  (Nguồn ảnh: Vogue)

Trong những năm gần đây, các nhà thiết kế đã dần bớt đi các chi tiết rườm rà trong các thiết kế được trình diễn. Một trong những ví dụ điển hình nhất chính là Dior.

Từ một nhà mốt với các thiết kế "kịch tính" dưới bàn tay của “phù thủy” John Galliano, các bộ sưu tập của Dior ngày nay được giản lược hơn bao giờ hết dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Sáng tạo mới Raf Simons: không quá lố trong cách phục sức, trang điểm nhẹ nhàng và tự nhiên, các thiết kế nặng tính thương mại (dễ bán).

Điều này cũng có thể dễ dàng nhận thấy ở các ông trùm khác của thời trang cao cấp như Céline, Saint Laurent, Valentino...

Có thể điều này sẽ giúp khách hàng dễ dàng hình dung ra bản thân mình trong các bộ sưu tập hơn, nhưng dường như sự thương mại hóa thời trang đến mức cực đoan như hiện nay đã lấy đi nét đẹp nhất của thời trang: quyền được mơ và được giải thoát khỏi thực tại.

Chiếc áo khoác dạ Valentino Thu Đông 2014 được bán với giá 12.259 bảng Anh (ảnh nhỏ là ảnh sản phẩm được bán trên trang web louisaviaroma.com). Bộ sưu tập này của Valentino là một trong những bộ sưu tập điển hình của thời trang hiện tại: thẳng thắng, đơn giản và đậm tính thương mại.  (Nguồn ảnh: Vogue)
(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục