Nhà phân tích hàng đầu Christian Malek của ngân hàng JP Morgan (Mỹ) cho rằng sự bế tắc trên các thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể kéo dài sang tháng 8/2021 và đẩy giá dầu thô tăng mạnh.
Theo đánh giá của chuyên gia Malek, sau khi không đạt được thỏa thuận về vấn đề tăng sản lượng hồi đầu tháng này, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, có thể phải mất tới 6 tuần để hoàn tất một thỏa thuận về vấn đề sản lượng, giữa lúc OPEC đang trải qua quá trình xem xét mức "sản lượng cơ sở."
Bế tắc nảy sinh khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) muốn đánh giá lại mức cơ sở của mình như một điều kiện tiên quyết để đồng ý với đề xuất tăng dần sản lượng mà 22 thành viên khác của OPEC+ đã thống nhất.
Đề xuất này được Saudi Arabia và Nga đưa ra nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài trong nguồn cung dầu, do nhu cầu được dự báo sẽ gia tăng vào cuối năm nay và trong năm 2022, khi nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra.
Chuyên gia Malek nhận xét đề xuất tăng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8/2021 cho đến khi đạt mức sản lượng tham chiếu tháng 4/2020 - do Saudi Arabia và Nga đưa ra - vẫn chưa được UAE tán thành, cho dù trên thực tế nó có thể giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong tương lai và kiểm soát sự leo thang của giá dầu.
Trong trường hợp OPEC+ không tăng thêm thùng dầu nào, những nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới sẽ phải giảm kho dự trữ của họ trong nửa cuối năm này, có thể xuống dưới mức trung bình 5 năm mà OPEC+ sử dụng làm thước đo chuẩn, và điều này sẽ đẩy giá dầu đi lên.
Chuyên gia Malek cho rằng những rủi ro mà thị trường dầu mỏ phải đối mặt có thể thúc đẩy UAE hướng tới một khuôn khổ đôi bên cùng có lợi giữa các thành viên OPEC.
Theo chuyên gia này, một sự cố giống như cuộc chiến giá dầu hồi năm ngoái sẽ khó xảy ra và giải pháp tốt nhất là các bên cần thúc đẩy các nỗ lực hòa giải để hướng tới một thỏa thuận hài hòa vì lợi ích của các bên./.