Sự bất lực của Liên minh châu Âu trước cuộc xung đột tại Libya

Báo Le Monde của Pháp nhận định Liên minh châu Âu hầu như không thể tác động gì đến sự leo thang xung đột tại Libya, dù hiểu rõ rằng điều này trực tiếp xâm hại lợi ích chiến lược của mình.
Các tay súng thuộc Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) vui mừng sau khi giành lại quyền kiểm soát sân bay quốc tế Tripoli từ lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar, ngày 4/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các tay súng thuộc Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) vui mừng sau khi giành lại quyền kiểm soát sân bay quốc tế Tripoli từ lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar, ngày 4/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Libya phải chăng là Syria mới? Liên minh châu Âu (EU) hầu như không thể tác động gì đến sự leo thang xung đột tại Libya, dù hiểu rõ rằng điều này trực tiếp xâm hại lợi ích chiến lược của mình.

Đây là nhận định của tờ Le Monde (Pháp).

Theo báo này, đây chính là biểu hiện rõ ràng nhất của sự khó khăn, hay đúng hơn là sự bất lực, của EU trong cuộc xung đột tại Libya.

Ngày 10/6 vừa qua, tàu chở hàng mang tên Cirkin của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng treo cờ Tanzania, đã rời Istanbul.

Phải chăng tàu này đang vận chuyển vũ khí đến Libya cho Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) của Thủ tướng Faïez Sarraj, vi phạm lệnh cấm vận của Liên hợp quốc, theo như nghi ngờ của bộ chỉ huy chiến dịch Irini ("Hòa bình" theo tiếng Hy Lạp) do EU triển khai từ ngày 1/4 để thực thi một nhiệm vụ kiểm soát?

Chiến dịch này nhằm ngăn chặn sự leo thang xung đột quân sự giữa GNA được Liên hợp quốc công nhận và lực lượng đối lập của Tướng Khalifa Haftar, người đã phát động cuộc tấn công vào thủ đô Tripoli cách đây một năm.

Những người ủng hộ GNA lấy làm tiếc rằng chiến dịch Irini của EU chủ yếu nhắm vào các chuyến giao hàng của Thổ Nhĩ Kỳ mà bỏ qua sự hỗ trợ quân sự cho Tướng Haftar của các nhà tài trợ như Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Ai Cập hay Nga, chuyển đến Cyrenaica bằng đường hàng không hoặc qua biên giới Ai Cập.

Sự nghi ngờ về tàu Cirkin được củng cố bởi thực tế là tàu này đã vướng phải một "sự cố" khác trên biển cách đây 2 tuần.

Khi một tàu khu trục Pháp, trở về sau một nhiệm vụ ở eo biển Hormuz, đang cố gắng kiểm tra hàng hóa trên tàu Cirkin, thì 2 tàu khu trục của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã can thiệp và ngăn chặn sự việc.

Tàu Cirkin sau đó đã "giả vờ" hướng về Tunisia trước khi cập cảng Misrata ở phía tây Libya, nằm dưới sự kiểm soát của GNA được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ.

Vũ khí đã được bốc dỡ khỏi tàu, cùng với một nhóm lính đánh thuê, theo thông tin từ Ủy ban quân sự EU.

Với sự cảnh giác tăng cao, ngày 10/6, bộ chỉ huy chiến dịch Irini đã cho phép một chiếc trực thăng cất cánh từ tàu khu trục Hy Lạp Spetsai, một trong hai tàu của chiến dịch EU.

Trên thực tế, 2 tàu khu trục và 3 máy bay là đội ngũ quá ít ỏi trong giai đoạn hiện tại của một chiến dịch.

Tuy nhiên, một sự hiện diện lớn hơn cũng sẽ không có tác dụng, vì ý định kiểm tra đã thất bại khi Cirkin nằm dưới sự bảo vệ của một con tàu quân sự Thổ Nhĩ Kỳ.

Luật biển quy định rằng một tàu quân sự không thể kiểm tra một tàu đang thực hiện nhiệm vụ công. Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Cirkin đang chở vật tư y tế. Dù luôn bị theo dõi, Cirkin đã có thể cập cảng Misrata mà không gặp khó khăn gì.

[LHQ cử phái đoàn tìm kiếm sự thật đến Libya để điều tra các vi phạm]

Con tàu treo cờ Tanzania này cũng từng đụng độ nghiêm trọng với tàu chiến Courbet của Pháp, khi các tàu khu trục Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ nổ súng với danh nghĩa là "tàu của NATO."

Điều này không đúng vì liên minh Bắc Đại Tây Dương đang thực hiện một hoạt động giám sát khác trong khu vực mang tên Sea Guardian.

Sự bất lực của Liên minh châu Âu trước cuộc xung đột tại Libya ảnh 1Hiện trường một vụ tấn công nhằm vào khu vực Bab Bin Ghashir, Tripoli, Libya, ngày 9/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ankara phản đối việc EU tìm cách tiếp cận chiến dịch Sea Guardian, với lý do là phản đối Pháp ủng hộ Tướng Haftar.

Với sự hỗ trợ của 8 quốc gia thành viên, Pháp đã đạt được yêu cầu NATO mở một cuộc điều tra, trong tình trạng lãnh đạo NATO rất lúng túng vì cuộc xung đột giữa 2 thành viên chính.

Cho dù ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về ngoại giao của EU, nói rằng Libya sẽ là "bài kiểm tra uy tín" về mặt ngoại giao của liên minh, ông không thể không biết rằng khả năng hành động của EU đã bị suy giảm, nguyên nhân là do sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên, hoặc sự thiếu quan tâm.

Các nước Scandinavi, Baltic hoặc Đông Âu quan tâm nhiều đến tình hình ở Ukraine hơn là những gì đang xảy ra ở sườn phía nam của liên minh, ngay cả khi sự hiện diện của Nga ở Libya đã chứng tỏ ý định của nước này muốn mở rộng ảnh hưởng tại Bắc Phi.

Lính đánh thuê từ nhóm Wagner, rất thân cận với Moskva, đang chiến đấu bên cạnh Tướng Haftar.

Pháp, Italy và Tây Ban Nha không che giấu mối quan tâm sâu sắc của mình, nhưng sự ủng hộ của Paris đối với Tướng Haftar - dù luôn được Brussels đánh giá là "mơ hồ" - đã tạo ra một mối quan hệ xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ.

Cơ quan đối ngoại EU hy vọng Pháp có thể sử dụng sức mạnh và ảnh hưởng của mình để thúc đẩy giải pháp ngoại giao.

Trong tất cả các tuyên bố, EU nhất trí ủng hộ một giải pháp chính trị và bày tỏ sự quan tâm đến quá trình hội nghị Berlin.

Tháng 1/2020, các tác nhân chính trong cuộc xung đột Libya đã ngồi lại với nhau để cố gắng - một cách vô ích - chấm dứt các cuộc đối đầu, ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài và thúc đẩy một kết quả đàm phán.

Một nguồn tin cấp cao cho biết tất cả mong đợi một giải pháp từ châu Âu, nhưng rõ ràng đó không phải là nhân tố tích cực trong cuộc xung đột này. Hiện tại, EU hy vọng sẽ đóng vai trọng tài khi các bên trở lại bàn đàm phán.

Trong khi đó, ông Josep Borrell muốn khắc phục sự thiếu cam kết cụ thể của hầu hết các quốc gia thành viên trong chiến dịch Irini. Ông tin có thể làm cho nhiệm vụ này trở nên thực sự hiệu quả.

Chiến dịch cho đến nay đã thực hiện khoảng 150 cuộc kiểm tra liên quan đến cấm vận vũ khí và dầu mỏ. Các thông tin được tập hợp lại và sau đó được chuyển tới Liên hợp quốc.

"Nếu thông tin thỏa đáng, chúng ta không thể làm gì hơn nữa. Chỉ khi một con tàu không tuân thủ yêu cầu, thì chúng ta mới có thể thực hiện loại hoạt động khác," ông Borrell phát biểu ngày 16/6 sau cuộc họp bộ trưởng Quốc phòng EU. Tuy nhiên, ông không nói chi tiết về "loại hoạt động khác."

Trên thực tế, chiến dịch Irini dường như lặp lại những thiếu thốn phương tiện và sự không chắc chắn của chiến dịch Sophia trước đó.

Được triển khai năm 2015, Sophia có nhiệm vụ giám sát nạn buôn người và lệnh cấm vận dầu mỏ Libya cho đến lúc chính thức kết thúc tháng 3/2020.

Chiến dịch đã không được trang bị tàu thuyền mà chỉ có một vài chiếc máy bay. "Tất cả những ai muốn hòa bình ở Libya phải ủng hộ Irini, tôi hy vọng lời kêu gọi của tôi sẽ được lắng nghe," ông Borrell nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục