Sự bất an ngăn cản chúng ta tiến lên phía trước như thế nào?

Một số người rất giỏi đối mặt với nỗi bất an của mình, và một số người khác lại giỏi che giấu nó sau chiếc mặt nạ tự tin.
Ảnh minh họa. (Nguồn: lifehack.org)

Theo trang Lifehack.org, tất cả mọi người đều vật lộn với sự bất an ở một mức độ nào đó. Nếu bạn gặp một người có hành động tự tin, chưa chắc đó đã là con người thật của họ. Một số người rất giỏi đối mặt với nỗi bất an của mình, và một số người khác lại giỏi che giấu nó sau chiếc mặt nạ tự tin.

Chúng ta lo lắng người khác sẽ nghĩ gì, họ sẽ phản ứng thế nào với chúng ta, hoặc chúng ta có được một nhóm người chấp nhận hay không. Chúng ta bị ám ảnh với việc mình có đủ tốt, đủ xinh đẹp, đủ thông minh, đủ mạnh mẽ, đủ sáng suốt, đủ cao, đủ khỏe mạnh, đủ kiến thức hay không. Nhưng chúng ta chẳng thể tiến xa hơn con người chúng ta thấy trong gương. Mạng xã hội cũng không giúp được gì. Cố gắng giành lượt yêu thích hay chia sẻ chỉ làm vấn đề tồi tệ thêm.

Và tại sao chúng ta phải vật lộn với những nỗi bất an thay vì chiến đấu chống lại chúng? Không dễ chế ngự thứ mà bạn không nhìn thấy. Chúng ta cần bắt đầu bằng việc nhận thức được mình đang đấu tranh với cái gì, và có lòng can đảm để đối mặt với thứ ta muốn đánh bại.

Dưới đây là bốn cách mà nỗi bất an sẽ ngăn cản sự phát triển của chúng ta:

1. Chúng ta sẽ sống vì sự công nhận và chấp nhận của người khác

Nhiều người sống để nghe người khác nói với họ rằng “làm tốt lắm,” “trông bạn rất đáng yêu,” hay “bạn thật thông minh.” Bất cứ ai đồng tình với hành động hay vẻ ngoài của họ khiến họ thấy mình có giá trị.

Không có gì sai ở đây cả. Tất cả mọi người đều có nhu cầu được biết họ được yêu quý và tôn trọng. Nhưng khi nhu cầu đó trở thành một nỗi ám ảnh thì khác. Khi chúng ta không được nghe những lời dễ chịu về bản thân mình, chúng ta lo sợ rằng mình không còn được người khác yêu mến.

Mục tiêu và ước mơ của chúng ta trở nên phụ thuộc vào sự chấp nhận của người khác, và chúng ta gần như không còn muốn chạm đến những mục tiêu mình đặt ra.

Sự công nhận của người khác chỉ tốt nếu ở liều lượng vừa đủ. Quá nhiều có thể khiến chúng ta nghẹt thở và mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn, nơi chúng ta đói khát sự chấp thuận của người khác đến mức nghi ngờ mọi thứ mà người khác làm cả trong đời thực lẫn trên mạng xã hội.

2. Chúng ta cho phép sự nghi ngờ giết chết hành động

Tất cả mọi người đều đối mặt với sự hoài nghi - về khả năng của bản thân, hay liệu chúng ta có thể vượt qua một điều gì đó hay không. Và chúng ta cần học cách vượt qua sự hoài nghi mỗi ngày để đạt được những mục tiêu của mình.

Chúng ta sẽ trưởng thành hơn khi tự mình đứng lên chống lại nỗi nghi ngờ. Giọng nói vang lên trong đầu rằng “bạn không thể,” “đồ ngốc,” “bạn không bao giờ thành công được đâu” sẽ luôn ở đó. Công việc của bạn là chống lại chúng.

Thay vì nghĩ về điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, hãy nghĩ xem bạn có thể làm gì để đạt được mục tiêu của mình. Sự hoài nghi sẽ giết chết hành động từ trước khi nó bắt đầu. Bạn cần đóng sập cảnh cửa trước nỗi nghi ngờ nếu muốn thành công.

3. Chúng ta luôn nghĩ về bản thân một cách tiêu cực

Khi bị người khác chỉ trích, chúng ta bắt đầu nghĩ về những lời chỉ trích đó, và tự chỉ trích chúng ta. Giữ những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và tìm sự chấp thuận từ người khác sẽ khiến chúng ta rơi vào tình cảnh luôn so sánh bản thân với những người khác và làm nảy sinh một hình ảnh tiêu cực về chính mình.

Chúng ta có thể trở thành người hoàn toàn trái ngược với những gì mình bị chỉ trích.

Chúng ta có thể trở nên thông minh, tài năng, nhưng nếu chúng ta nghĩ mình ngu ngốc và luôn thất bại, chúng ta sẽ hành động y như thế. Mọi người hành động theo niềm tin họ có về bản thân mình.

Chúng ta có thể rất giỏi làm gì đó, nhưng nếu chúng ta không nhận ra và tin vào khả năng của mình, chúng ta sẽ không hành động theo khả năng của mình và tự loại mình khỏi cuộc chơi.

4. Chúng ta không chấp nhận bản thân mình (hay bất cứ người nào khác) như nó vốn có

Đây là một trong những chướng ngại lớn nhất khi cần vượt qua sự bất an. Đúng vậy, chúng ta không hoàn hảo, và chúng ta biết điều đó. Nhưng cố gắng tỏ ra hoàn hảo bên ngoài không giúp ích gì mấy cho chúng ta. Kết quả của việc cố giữ dáng đẹp, tóc đẹp, gương mặt đẹp là chúng ta sẽ chối bỏ con người thật của mình.

Thật lạ là chúng ta luôn ghen tị với người khác mà không biết rằng họ cũng không thích nhiều điểm ở chính họ. Họ cũng bất an như chúng ta vậy.

Có gì tốt đẹp khi ghen tị với một người cũng bất an? Bên ngoài, chúng ta chối bỏ bản thân mình vì chúng ta thừa cân, quá khổ, mặt mụn hay tàn nhang. Bên trong, chúng ta chối bỏ bản thân vì chúng ta không thích sự lười biếng, lỗ mãng hay không chân thật của mình.

Chấp nhận bản thân không có nghĩa là chúng ta cho phép mọi thứ diễn ra mà không thay đổi. Nhưng không chấp nhận bản thân và người khác là một vấn đề lớn chỉ khiến chúng ta thêm bất an, không tin tưởng người khác, và không khỏe mạnh cả về thể chất, tinh thần và tình cảm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục