Tờ Financial Times ngày 25/9 đăng bài của tác giả David Pilling, biên tập viên phụ trách khu vực châu Phi của tờ báo, về tình trạng bài ngoại và nguy cơ đối với các nền kinh tế châu lục, cũng như chủ nghĩa liên Phi trong bối cảnh châu Phi đang nỗ lực thực thi Hiệp định Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA).
Khi các quốc gia châu Phi bắt đầu giành được độc lập vào cuối những năm 1950, giải pháp chống lại quá trình Balkan hóa đối với châu lục dưới thời kỳ thực dân chính là chủ nghĩa liên Phi.
Được khởi xướng bởi các nhà lãnh đạo như cựu Tổng thống Ghana Kwame Nkrumah và cựu Tổng thống Tanzania Julius Nyerere, chủ nghĩa liên Phi khẳng định người châu Phi có chung lịch sử và số phận của họ phụ thuộc lẫn nhau.
[AfDB cảnh báo những nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế châu Phi]
Khái niệm này đã có ý nghĩa mới trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 dưới thời Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki khi ông đã góp phần đưa đất nước Cầu vồng vượt qua học thuyết độc hại của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid, hay “sự cách biệt.”
Tổng thống Mbeki cho rằng hơn 50 nhà lãnh đạo của các nước châu Phi nên tránh xa các học thuyết “quốc gia trung tâm” và “chủ quyền không chiến thắng” và ủng hộ sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước trên lục địa. Nói cách khác, sức mạnh nằm trong sự thống nhất. Châu Phi hiện đang đối mặt với một lực lượng ngoại lai mới: bài ngoại.
Tại Nam Phi, điểm đến hấp dẫn đối với những người di cư từ khu vực khác của châu lục, người nước ngoài đang là mục tiêu của làn sóng tấn công được mô tả là các cuộc tấn công bài ngoại.
Trong tháng 9/2019, tại Johannesburg, Pretoria và nhiều nơi khác, 12 người đã thiệt mạng và các cửa hàng và doanh nghiệp nước ngoài đã bị cướp bóc.
Tại Cape Town, nhiều xe tải chở hàng của người nước ngoài không thuộc tổ chức công đoàn đã bị tấn công bằng bom xăng.
Tình trạng bài ngoại tại Nam Phi đã hứng chịu phản ứng mạnh mẽ, đó là tình trạng bài Nam Phi trên khắp lục địa. Xe tải của Nam Phi bị tấn công ở Mozambique; Đài phát thanh Hot FM Zambia cấm phát âm nhạc Nam Phi.
Phản ứng dữ dội nhất đối với tình trạng bài Nam Phi là tại Nigeria - đối thủ cân xứng về kinh tế và chính trị tầm châu lục của Nam Phi. Các chính trị gia Nigeria đã phản ứng dữ dội với tình trạng bạo lực chống người nước ngoài, trong đó có người Nigeria sống ở Nam Phi.
Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Pretoria để phản đối và cho biết Nigeria sẵn sàng sơ tán công dân Nigeria muốn rời Nam Phi.
Bisi Adeleye-Fayemi, công dân Nigeria gốc Anh, đồng sáng lập Quỹ Phát triển phụ nữ châu Phi, đã lên án tình trạng “bài châu Phi” và cho rằng hiện tượng này sẽ hủy hoại uy tín đấu tranh cho tự do của Nam Phi.
Các nhà lãnh đạo của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền tại Nam Phi đã từng nhận thức sâu sắc về tinh thần liên Phi vốn đã hỗ trợ ANC rất lớn trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.
Ngay sau khi nhậm chức năm 1994, Tổng thống Nelson Mandela của nhà nước Nam Phi dân chủ đã thực hiện chuyến công du 18 ngày tới các nước châu Phi để cảm ơn vì đã cho các nhà thành viên ANC cư trú cũng như bảo vệ họ.
Hiện nay, một số nhà lãnh đạo Nam Phi dường như đã quên đi lịch sử đó. Thất bại trong nhiệm vụ cải thiện cuộc sống của người dân Nam Phi, nhiều chính trị gia đã phải viện dẫn đến những tuyên bố hùng hồn - biện pháp vốn quen thuộc ở nhiều nơi trên thế giới - đổ lỗi cho người nước ngoài vì những rắc rối trong nước.
Tuy nhiên, tinh thần của chủ nghĩa liên Phi không phải đã mất đi. Uganda và Ethiopia đang hỗ trợ hàng trăm ngàn người tị nạn.
Năm 2019 chứng kiến giai đoạn thực thi dự án lớn nhất châu Phi: Hiệp định Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), trong đó 54 quốc gia đã cam kết thành lập khu vực thương mại tự do với tổng sản lượng 3.400 tỷ USD và thuế quan đối với 90% hàng hóa sẽ được xóa bỏ.
Theo Viện Brookings (Mỹ), thương mại nội khối của châu Phi đạt khoảng 18%, so với 59% của châu Á và 69% ở châu Âu. Không có lợi thế về quy mô kinh tế, nhiều quốc gia châu Phi, đặc biệt là 16 nước không giáp biển, không thể tự thoát khỏi mối quan hệ với các đối tác thương mại vốn thường xuyên mua nguyên liệu thô và bán lại hàng hóa thành phẩm. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ giá trị gia tăng sẽ tăng khi thương mại nội khối được thúc đẩy.
Thương mại tự do không phải là liều thuốc chữa bách bệnh, nhưng đó có thể là cơ hội tốt nhất mà nhiều quốc gia châu Phi có được để phát triển. Nếu các nhà lãnh đạo để tình trạng bài ngoại vượt khỏi tầm kiểm soát, toàn bộ AfCFTA sẽ bị đe dọa. Để thực thi AfCFTA, các quốc gia châu Phi cần phải có thái độ tự do đối với sự di chuyển của người dân, cũng như sự lưu thông hàng hóa và dịch vụ.
Ông Sipho Pityana, Chủ tịch AngloGold Ashanti, tập đoàn khai khoáng lớn của Nam Phi, cho rằng chúng ta đề cập đến chủ nghĩa liên Phi, nhưng lại hành động theo chủ nghĩa dân tộc. Trừ khi các nhà lãnh đạo châu Phi có thái độ nghiêm túc đối với chủ nghĩa dân tộc trung tâm như cựu Tổng thống Thabo Mbeki đã cảnh báo, Hiệp định Khu vực thương mại tự do châu Phi sẽ mãi ở dạng thức sơ khai./.