Cuộc đời của Steve Jobs quá cố tái hiện lại đầy mâu thuẫn và màu sắc dưới ngòi bút của Walter Isaacson, trong cuốn tiểu sử vừa được xuất bản, theo bình luận của tờ Guardian (Anh).
Công nghệ kiến tạo tương lai, và nhờ có Steve Jobs, nó đã mở ra một bước mới trong quá trình tiến hóa của loài Homo-sapiens ngày càng lười suy nghĩ và thích những nút nhấn. Tổng hành dinh của Apple ở Thung lũng Silicon nằm trên một con đường hào nhoáng tên là Infinite Loop và đó là nhà của Jobs. Màu sắc của ngôi nhà cũng là màu trắng, như hầu hết các sản phẩm thành danh của Apple, với những cầu thang xoắn ốc mô phỏng một chuỗi DNA do chính ông thiết kế. Jobs tin tưởng rằng ông có một sứ mệnh khai sáng, như Gandhi, hay như Einstein.
Như Isacsson viết trong cuốn tiểu sử sâu sắc vừa xuất bản, Jobs hành xử như một con người siêu nhiên trong triết học của Nietzsche, bằng ý chí của mình, thông qua những sáng tạo công nghệ thiên tài, tạo ra một thiết bị điều khiển từ xa khiến hàng triệu triệu người phải tuân theo. Những phẩm chất đó thể hiện ngay từ khi Jobs còn nhỏ.
Thời thơ ấu, ông đã khiến cha mẹ mình bán nhà để mua một cái khác ngoài khả năng tài chính của họ để ông được theo học trường mà ông muốn. Khi trưởng thành, Jobs lái chiếc Mercedes bạc với tốc độ của tư tưởng và đỗ nó ngay trên chỗ dành cho người khuyết tật.
Khi bị chẩn đoán ung thư tuyến tụy, ông đã từ chối phẫu thuật và tin tưởng rằng có thể vượt qua căn bệnh nan y bằng sức mạnh và ý chí tinh thần thuần túy, kèm theo sự hỗ trợ của các phương thuốc đông y kiểu Mỹ, dược thảo, nước ép và những kiểu chữa trị dân gian.
Trong những ngày khỏe mạnh, Jobs còn là một Phật tử nhiệt thành, như màu trắng hay bạc của những sản phẩm mà ông sáng tạo ra, một phong cách Isaacon gọi là “thiên công nghệ.” Cùng lúc với việc thương thảo những hợp đồng trị giá hàng chục triệu USD, Jobs đi chân không qua vùng đồng quê và mua một căn nhà nơi ông phải quỳ hoặc ngồi xếp bằng trên sàn nhà thay vì ngồi trên những bộ salông thoải mái.
Nhưng trong những ngày tồi tệ, ông lại giống như Rasputin, quát tháo chửi rủa cấp dưới bằng những lời lẽ thô bạo nhất trước khi sa thải họ, và hành xử như một tên lửa đạn đạo. Trong một cuộc tranh cãi với Google, ông tuyên bố sẽ “tiến hành chiến tranh nguyên tử về việc này”.
Jobs tham dự tiệc Halloween đầu tiên của ông ở Apple trong bộ đồ của Chúa Jesus, và từ cảm hứng đó, mỗi lần ra đời một sản phẩm mới, ông luôn giới thiệu nó như với những lời lẽ như thể trích ra từ trong Sáng Thế ký, như khi Jobs nói về phiên bản Macintosh 1988: “một vị khách từ hành tinh khác, một hành tinh tốt đẹp, một hành tinh có những nhà thiết kế tài ba hơn ở đây.”
Không có gì lạ khi iPhone được đặt cho biệt danh “điện thoại của Jesus,” và khi Jobs bước vào cửa hàng bán lẻ Apple khi chiếc điện thoại đầu tiên bán ra, ông được chào đón, theo lời Isaacson, như Moses “bước vào để mua Kinh thánh.”
Isaacson đã mô tả tất cả những điều đó với kỹ năng đáng khâm phục và sự trung thực chắc chắn sẽ khiến mọi độc giả phải hài lòng./.
Cuốn tiểu sử “Steve Jobs” do Walter Isaacson – cựu tổng biên tập của CNN và tạp chí Time, chấp bút, được chính thức phát hành hôm 24/10 vừa qua, ba tuần sau sự ra đi của nhà đồng sáng lập hãng Apple. Isaaccon từng viết những cuốn tiểu sử về các danh nhân như nhà vật lý học Benjamin Franklin hay Albert Einstein. Isaacson bắt đầu thực hiện những cuộc phỏng vấn Jobs để viết sách ngay trước đợt trị bệnh đầu tiên của cha đẻ iPhone, rồi chấp bút từ năm 2009. Cuốn sách dày 656 trang, do nhà xuất bản Simon&Schuster giữ bản quyền. |