Mặc dù bị “bóng mây” COVID-19 bao phủ nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn cố gắng vươn lên trong gian khó; đặc biệt, nhiều mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) sáng tạo áp dụng nhiều mô hình công nghệ đã xuất hiện trong năm 2020.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra kỳ vọng: “Với tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng start-up, hơn lúc nào hết cần nắm chặt tay nhau tạo thành mạng lưới, có sự kết nối không phân biệt trong nước hay nước ngoài, kết nối cả doanh nghiệp theo mô hình truyền thống và doanh nghiệp start-up, thì cộng đồng start-up sẽ có những bước tiến lớn hơn, tạo ra những xung lực mới, cùng góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn."
Đánh giá số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 11/2020 có sự bứt phá so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết những tín hiệu tốt từ khu vực doanh nghiệp cho thấy, nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ của Chính phủ đã thực hiện hiệu quả, kịp thời nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 và giảm thiểu tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11/2020 tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng tương ứng 5,4% và 59,8%.
Tính chung 11 tháng năm 2020, cả nước có gần 124,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tăng 21,7%.
[Kết nối nguồn lực để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo]
“Xu hướng doanh nghiệp thành lập mới tháng sau tốt hơn tháng trước cho thấy bức tranh khởi nghiệp của các doanh nghiệp tham gia thị trường đã 'sáng' lên nhiều so với những tháng trước,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Đặc biệt, thêm một điểm nhấn nữa của khu vực doanh nghiệp đã làm cho bức tranh kinh tế 11 tháng có thêm những điểm sáng.
Đó là bên cạnh số lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng cao thì một số lượng không nhỏ doanh nghiệp đã tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam.
Ông Vũ Quốc Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang phát triển rất sôi động, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang rất thuận lợi để các start-up công nghệ phát triển.
Đây là nền tảng vững chắc và động lực để Chính phủ và các công ty công nghệ hàng đầu khu vực tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2019 là năm tăng trưởng mạnh mẽ của khởi nghiệp Việt Nam với các thương vụ đầu tư công nghệ lớn đạt giá trị hơn 800 triệu USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn bức tranh của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) được thành lập, để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động kết nối, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Trung tâm, năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế chính sách ưu đãi với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
Theo đó, mô hình của trung tâm đổi mới sáng tạo có thể nhân rộng ra các địa phương, các khu vực nhằm khai thác tối đa lợi thế phát triển của từng vùng, từng địa bàn.
“Những doanh nghiệp khởi nghiệp được các Quỹ đầu tư rót vốn sẽ là các doanh nghiệp được trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ và hưởng các ưu đãi theo quy định tại Nghị định 94. Với việc triển khai sáng kiến này, Trung tâm dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hỗ trợ, đưa vào thị trường hàng tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Quản lý kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Anh Tuấn cho biết, ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi các quy định có liên quan đến khởi sự kinh doanh để thực hiện liên thông, cắt giảm các thủ tục không cần thiết trong thành lập doanh nghiệp...
Theo đó, các quy định trong Nghị định là những phương án cải cách nhằm khắc phục những hạn chế của quy định pháp lý hiện hành.
Kết quả là, Nghị định số 122/2020/NĐ-CP về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình (khai báo) việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.
Nghị định này ra đời, cũng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra đời, hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy khởi nghiệp trên diện rộng.
Đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, song song với việc triển khai cơ chế chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên gia tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã mở rộng tại các nước Đức, Nhật Bản, Australia và tiếp tục thành lập tại Mỹ, Canada với hàng nghìn thành viên nhằm quy tụ những người Việt Nam xuất sắc để sẵn sàng tham gia các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng tại Việt Nam.
Đặc biệt, với chương trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam, bộ đã xây dựng chương trình với tham vọng làm sao để 800 nghìn doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng được chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, dù doanh nghiệp lớn, nhỏ hay vừa.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab tại Việt Nam cho rằng số lượng doanh nghiệp start-up của Việt Nam là khá đông đảo nhưng vẫn thiếu những doanh nghiệp đủ chất để có thể theo đuổi chặng đường dài với tầm nhìn từ 10-20 năm.
“Các doanh nghiệp của Việt Nam mới thành công ở giai đoạn ý tưởng ban đầu mà thiếu sự hoàn thiện trong triển khai, quản lý, thu hút đầu tư và nhân tài… khi đạt quy mô lớn hơn. Vì vậy, dù vốn đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo bên ngoài còn rất nhiều song nhiều doanh nghiệp không thể chạm tới,” bà Vân cho biết.
Do đó, để có những doanh nghiệp tốt trong tương lai, bà Vân cho rằng cần phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thật tốt.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví MoMo, cũng đề nghị MoMo đang có kế hoạch trở thành ví điện tử lớn nhất Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp tăng tốc và phát triển.
Cùng với những giải pháp mà Chính phủ, các bộ, ngành đã và đang thực thi, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp vào toàn nền kinh tế.
Mới đây, tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 - Vietnam Venture Summit 2020 (VVS), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ luôn mong muốn, tạo điều kiện thuận lợi các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng các doanh nghiệp start-up trong nước cũng cần tự tin hơn với kinh nghiệm, cách làm của mình.
Tới đây, khi triển khai chương trình chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, toàn xã hội, Phó Thủ tướng tin tưởng chắc chắn sẽ tạo ra xung lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp start-up./.