Standard & Poor's nâng triển vọng xếp hạng nợ của Bồ Đào Nha

S&P cho rằng các hoạt động kinh tế và cắt giảm thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha đã đạt kết quả tích cực ngoài dự tính.
Ảnh minh họa. (Nguồn: rte.ie)

Ngày 9/5, cơ quan xếp hạng tín dụng Standard and Poor's (S&P) nâng triển vọng về khả năng trả nợ của Bồ Đào Nha vì cho rằng các hoạt động kinh tế và cắt giảm thâm hụt ngân sách của quốc gia này đã đạt kết quả tích cực ngoài dự tính.

Theo đó, triển vọng trái phiếu chính phủ dài hạn của Bồ Đào Nha tăng từ tiêu cực lên ổn định, tương đương BB, trong khi trái phiếu chính phủ ngắn hạn tương đương B.

S&P đánh giá nền kinh tế và thị trường lao động Bồ Đào Nha đang phục hồi nhanh hơn cơ quan này dự đoán và các hoạt động cân bằng ngân sách cũng đạt kết quả khả quan hơn.

Tốc độ suy thoái kinh tế giảm trong năm 2013 giúp Lisbon đưa thâm hụt ngân sách nhà nước xuống còn tương đương 4,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mục tiêu 5,5%. Lisbon cũng đã thực hiện đầy đủ những điều kiện trong chương trình điều chỉnh kinh tế như đã cam kết với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Thặng dư trong cán cân thanh toán của Bồ Đào Nha với các nước khác trên thế giới đã đủ lớn để từng bước giảm nợ nước ngoài. Tuy nhiên, Bồ Đào Nha vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới, lên tới 118% GDP.

S&P dự báo kinh tế Bồ Đào Nha sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 1,4% trong các năm 2014 và 2015, chủ yếu nhờ xuất khẩu tăng. Những cải cách về thị trường lao động và chi phí lao động giảm đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng nhân công ở trong nước. Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo Bồ Đào Nha vẫn đối mặt một số nguy cơ như nợ công ty và hộ gia đình cao, thu nhập giảm và nhu cầu lao động hạn chế. Trong khi đó, tỷ lệ người có việc làm thấp về lâu dài sẽ kìm hãm kinh tế phát triển.

S&P đưa ra quyết định trên trong bối cảnh Chính phủ Bồ Đào Nha trước đó vài ngày thông báo đã ra khỏi chương trình cứu trợ trị giá 78 tỷ euro (108 tỷ USD) nhận được từ EU và IMF tháng 5 năm ngoái.

Cùng ngày, Văn phòng thống kê liên bang Đức Destatis cho biết thặng dư thương mại của nước này trong tháng Ba đã giảm do xuất khẩu giảm.

Đầu tàu kinh tế châu Âu chỉ đạt thặng dư 14.8 tỷ euro (20.5 tỷ USD) trong tháng Ba, giảm nhẹ so với 15,7 tỷ euro trong tháng Hai và thấp hơn dự báo của các nhà phân tích. Xuất khẩu trong tháng Ba giảm 1,8% xuống còn 91,6 tỷ euro, trong khi nhập khẩu cùng kỳ giảm 0,9% xuống còn 76,7 tỷ euro.

Đức từ lâu vẫn bị chỉ trích vì duy trì mức thặng dư thương mại lớn, gây thiệt hại cho các nền kinh tế yếu kém hơn trong Khu vực đồng euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục