Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7% năm 2024

Chuyên gia Standard Chartered cho rằng triển vọng kinh tế về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn và để duy trì tốc độ tăng trưởng, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng và giảm lượng khí thải các-bon.

Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7% năm 2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,7% năm 2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong báo cáo nghiên cứu toàn cầu về Việt Nam “Vietnam – Stronger but not easier” (tạm dịch Việt Nam - Vững mạnh hơn nhưng không dễ dàng hơn) vừa được công bố, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm 2024 (dự báo đạt 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm).

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Triển vọng kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn. Để duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng và giảm lượng khí thải các bon.”

Theo chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered, doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mạnh mẽ bất chấp sự điều chỉnh gần đây. Xuất nhập khẩu đang bắt đầu phục hồi, mặc dù thương mại điện tử vẫn chưa thấy tín hiệu phục hồi rõ ràng. Sự phục hồi FDI còn mờ nhạt, dấu hiệu phục hồi dòng vốn FDI mạnh mẽ hơn đòi hỏi tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn. Các thách thức của thương mại toàn cầu có thể là một rủi ro chính.

Với lo ngại lạm phát quay trở lại, lạm phát được dự báo tăng từ mức 3,3% năm 2023 lên 5,5% vào năm 2024. Standard Chartered dự báo việc nới lỏng tiền tệ có thể sắp kết thúc do kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi. Ngân hàng kỳ vọng lãi suất sẽ giữ nguyên mặc dù việc cắt giảm lãi suất có thể xảy ra. Tỷ lệ tái cấp vốn dự kiến sẽ duy trì ở mức 4,5% cho đến cuối quý 3 năm 2024, trước khi tăng 50 điểm cơ bản trong quý 4.

vnp-st-8124.jpg
Standard Chartered dự báo lạm phát tăng từ mức 3,3% năm 2023 lên 5,5% vào năm 2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Chúng tôi kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ xây dựng chính sách cân bằng giữa hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chống lạm phát gia tăng cũng như sự suy yếu tiền tệ. Lạm phát và khoảng cách rộng giữa chi tiêu và thu nhập có thể dẫn đến những hành vi tìm kiếm lợi nhuận và rủi ro bất ổn tài chính,” ông Tim Leelahaphan chia sẻ thêm.

Cũng theo Standard Chartered, đồng Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức, tỷ giá USD/VND dự kiến đạt 24.000 đồng vào cuối năm 2024. Dự trữ ngoại hối dự báo sẽ phục hồi khi sức mạnh của USD giảm.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đạt được kết quả khả quan cho thấy nền kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi mới mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế năm ước đạt 5,05%; trong đó quý 1 đạt 3,41%, quý 2 là 4,25%, quý 3 là 5,47% và ước quý 4 đạt 6,72%.

Ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm làm cho tăng trưởng của ngành này đạt 6,86% trong quý 4 và cả năm 2023 đạt 3,02%.

vcb5-5606.jpg
Tỷ giá USD/VND dự kiến đạt 24.000 đồng vào cuối năm 2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng vượt bậc do sự thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giá một số nguyên vật liệu cho xây dựng hạ nhiệt, lãi suất thấp và hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là điểm sáng. Kết quả tăng trưởng quý 4/2023 ngành xây dựng đạt 9,32%, cao nhất so với 3 quý trước và cao nhất trong quý 4 các năm của giai đoạn 2020-2023.

Một số ngành dịch vụ thị trường trong quý 4/2023 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ đầu năm như: Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 9,88%; vận tải kho bãi tăng 9,97%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,85%.

Các chuyên gia nhận định tăng trưởng kinh tế năm 2023 được hỗ trợ bởi một số điểm thuận lợi. Đó là kinh tế vĩ mô giữ ổn định, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn. Khu vực nông nghiệp tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Khối ngành dịch vụ đang từng bước phục hồi với điểm sáng là hoạt động du lịch. Ngoài ra, hoạt động công nghiệp dần phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp đã có xu hướng tăng nhẹ trở lại. Cùng với đó, Chính phủ nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục