Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam ban hành ngày 23/6, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức tăng 1,5% so với cùng kỳ (quý 1 là 3,3%).
Kết quả này có thể sẽ ảnh hưởng tới dự báo tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 được ngân hàng đưa trước đó tuy nhiên tăng trưởng GDP được dự báo sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay.
Theo Standard Chartered, dữ liệu vĩ mô tháng Sáu có thể sẽ tiếp tục cải thiện nhẹ so với tháng Năm nhưng vẫn tương đối yếu do hoạt động thương mại tiếp tục suy giảm dẫn đến hoạt động sản xuất và kinh tế chậm lại. Vấn đề mất điện gần đây đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Xuất khẩu được dự đoán sẽ giảm 5,2% so với cùng kỳ trong tháng Sáu, nhập khẩu giảm 17,0% và tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng lên 1,2%.
[Giảm lãi suất lần thứ 4: Thêm liều thuốc hữu hiệu cho nền kinh tế]
Thặng dư thương mại có khả năng tăng lên 4,1 tỷ USD từ 2,2 tỷ USD trong tháng Năm. Lạm phát có thể tiếp tục giảm xuống 2,2% so với cùng kỳ.
Standard Chartered nhận thấy doanh số bán lẻ vẫn tăng trưởng mạnh ở mức 12,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI giải ngân trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm 0,8% so với cùng kỳ xuống 7,6 tỷ USD; vốn FDI cam kết giảm 7,3% xuống 10,9 tỷ USD.
Vì vậy, Ngân hàng Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn chuẩn thêm 50 điểm cơ bản xuống còn 4,0% trong quý 3 (bằng mức lãi suất trong những năm xảy ra đại dịch) và sẽ giữ nguyên cho đến cuối năm 2025.
Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế tại Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước hiện đang tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng khi áp lực giá cả trong nền kinh tế giảm bớt. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đang đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ được thực hiện vào năm ngoái, những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ không vượt quá 50 điểm cơ bản do những lo ngại về rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính vẫn còn hiện hữu.”
Trước đó, chuyên gia của HSBC cũng đưa ra kỳ vọng sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản trong quý 2, sẽ còn một đợt giảm 50 điểm cơ bản nữa trong quý 3/2023. Động thái này nhiều khả năng sẽ đưa lãi suất điều hành của Việt Nam xuống 4,0%, đảo ngược những nỗ lực thắt chặt trong năm 2022 đồng thời tương đương với mức giảm lãi suất trong suốt đại dịch.
Vào ngày 16/6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,0% xuống 4,5%. Đây là lần thứ 4 liên tập Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành.
Động thái này được các chuyên gia đánh đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thể đồng loạt giảm lãi suất huy động và trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là liều thuốc “tiêm” cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận lãi suất với mức chi phí rẻ hơn và đây là hành động thể hiện sự chủ động của chính sách tiền tệ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của tổ chức tín dụng lần này tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng yếu là động lực cho tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ.
“Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế,” lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát nên sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh./.