Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam có thể đạt 6,9%

Các nhà kinh tế của Standard Chartered cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam ngày càng tốt hơn dù tăng trưởng toàn cầu có thể ở mức thấp 2,9% trong năm 2016.
Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam có thể đạt 6,9% ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo Báo cáo Nghiên cứu Toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered, dự đoán tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2016 là 6,9%, cao hơn so với dự báo của nhiều tổ chức khác trước đó.

Dự đoán này dựa vào hai ngành đang tăng trưởng tốt là sản xuất và xây dựng trong bối cảnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục khả quan.

Tại buổi công bố báo cáo này do Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tổ chức ngày 27/1 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà kinh tế của Standard Chartered chia sẻ nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam ngày càng tốt hơn dù tăng trưởng toàn cầu có thể ở mức thấp 2,9% trong năm 2016.

Ông Marios Maratheftis, Trưởng nhóm chuyên gia toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng các lĩnh vực sẽ tiếp tục đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam năm 2016 là tiêu dùng, đầu tư... Tuy nhiên, Việt Nam có thể sẽ đạt giá trị xuất khẩu ròng được dự báo không tăng nhiều trong năm nay.

Ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho biết trong năm 2016, Việt Nam có thể vươn lên trở thành nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai ở châu Á chỉ sau Ấn Độ. Cụ thể, Việt Nam có thế mạnh về môi trường đầu tư và đang là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn và kỳ vọng sẽ thu hút nhiều vốn FDI trong năm 2016.

Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có nhiều cơ hội đầu tư tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những quyết định điều chỉnh tỷ giá linh hoạt và phù hợp với tình hình biến động thị trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế phát triển.

Đánh giá cao Báo cáo Nghiên cứu Toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, ông Vũ Quyết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhận định tăng trưởng kinh tế khu vực trong nước (đầu tư và tiêu dùng) tiếp tục được cải thiện, song mức độ cải thiện không lớn do những bất cập nội tại của nền kinh tế chưa được khắc phục triệt để cũng như kinh tế thế giới còn nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, khu vực FDI vẫn tiếp tục là nhân tố đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục