Standard Chartered dành 50 triệu USD ứng phó COVID-19 trên toàn cầu

Đối tượng thuộc phạm vi hỗ trợ của Standard Chatered gồm các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngân hàng Standard Chatered vừa triển khai một khoản cứu trợ toàn cầu trị giá 50 triệu USD để trợ giúp các khu vực và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, ngân hàng sẽ hỗ trợ ngay lập tức 25 triệu USD cho công tác cứu trợ khẩn cấp tại những thị trường chịu tác động nặng nề nhất trong đại dịch. Trong trung hạn, ngân hàng sẽ dành 25 triệu USD để giúp đỡ cộng đồng phục hồi và phát triển kinh tế.

Trên tổng số tiền quyên góp được từ nhân viên và các nhà từ thiện, Standard Chatered sẽ đóng góp một khoản tương đương cho đến khi hoàn thành mục tiêu 50 triệu USD. Tất cả các thành viên trong ban giám đốc và Hội đồng quản trị của ngân hàng sẽ thực hiện quyên góp cho chương trình cứu trợ này.

[WB thông qua đợt đầu trong kế hoạch tài trợ khẩn trị giá 160 tỷ USD]

Bà Judy Hsu, Tổng giám đốc khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: “Khoản cứu trợ của Standard Chartered sẽ tập trung vào đáp ứng những nhu cầu cấp thiết hiện nay đồng thời hỗ trợ quá trình hồi phục của cộng đồng trong dài hạn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng triển khai gói tài chính trị giá 1 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào công tác phòng chống dịch COVID-19 trên toàn cầu. Châu Á là nơi Standard Chartered đã có lịch sử hoạt động hơn 160 năm và chúng tôi hy vọng sẽ cùng với cộng đồng nơi đây vượt qua cuộc khủng hoảng này và phát triển ngày một vững mạnh hơn.”

Đến nay Standard Chartered đã quyên góp 1,85 triệu USD cho các nỗ lực cứu trợ liên quan đến COVID-19.

Ngân hàng cũng triển khai nhiều sáng kiến để hỗ trợ cho khách hàng và 84.000 nhân viên trên toàn thế giới. Cuối tháng Ba vừa qua, Standard Chatered đã triển khai gói tài chính 1 tỷ USD để cung cấp các khoản tín dụng, vốn cho hoạt động xuất nhập khẩu và vốn lưu động với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như các doanh doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất các dụng cụ vật tư phòng chống dịch.

Đối tượng thuộc phạm vi hỗ trợ của gói tài chính bao gồm các doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khỏe cũng như các công ty không hoạt động trong lĩnh vực y tế nhưng tình nguyện tham gia vào sản xuất các sản phẩm như máy thở, mặt nạ, khẩu trang, các dụng cụ bảo vệ, các sản phẩm và dụng cụ vệ sinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục