Theo báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ được kỳ vọng sẽ trên đà phục hồi cùng với những dấu hiệu chuyển biến của nền kinh tế.
Việc đẩy mạnh giải ngân các khoản vay tiêu dùng và điều kiện kinh tế vĩ mô cải thiện sẽ giúp nhóm các công ty bán lẻ với tình hình tài chính vững mạnh có điều kiện tăng thêm thị phần. Qua đó, tỷ suất lợi nhuận cũng được cải thiện nhờ mức tồn kho thấp hơn sau đợt cạnh tranh gay gắt về giá trong quý 2.
Doanh thu “lập đáy” trong 6 tháng đầu năm?
Trên thị trường chứng khoán, VN-Index đã tăng 11,2% trong nửa đầu của năm, nhưng trái lại các cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ lại giảm 1,3%. Nguyên nhân giá cổ phiếu khu vực bán lẻ kém tích cực là do các công ty trong ngành lần lượt công bố kết quả lợi nhuận suy giảm.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG: HoSE) công bố doanh thu mảng công nghệ thông tin và điện tử gia dụng của MWG đạt 35 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm, giảm 27% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu của công ty này giảm sâu nhất trong quý 1, sau đó thu hẹp đà giảm trong tháng Tư (-20%) và tháng Năm (-16%).
[Tỷ lệ an toàn tài chính của các công ty chứng khoán đạt trên 180%]
Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT: HoSE) cũng cho biết doanh thu trong quý 1 giảm 20% so với cùng kỳ, tỷ suất lợi nhuận thấp đi là do cạnh tranh về giá khốc liệt giữa các doanh nghiệp bán lẻ iPhone và chi phí lãi vay cao.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ: HoSE) ghi nhận mức tiêu thụ mặt hàng trang sức giảm, song có chậm hơn so với các sản phẩm không thiết yếu khác trên thị trường. Bởi, vàng vẫn được lựa chọn là phương tiện tích trữ giá trị và phòng ngừa lạm phát. Tuy nhiên, báo cáo của PNJ cho biết sự suy yếu về tiêu thụ trang sức thể hiện rõ hơn từ quý 2 với doanh thu bán lẻ và bán buôn lần lượt giảm 22% và 39% trong tháng 4-5 so với cùng kỳ.
Với Công ty cổ phần Thế giới số (mã DGW: HoSE), lợi nhuận báo cáo trong quý 1 giảm 61% so với cùng kỳ và thu hẹp dần trong quý hai là âm khoảng 34%.
Song, nhóm phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI cho rằng lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 xét về giá trị tuyệt đối và tích cực trở lại từ quý 4 cho đến năm 2024.
Triển vọng khả quan trong trung, dài hạn
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung Tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI, cho biết mặc dù lợi nhuận của các công ty vẫn có thể giảm so với cùng kỳ trong quý 3, song nhóm phân tích của SSI đã nâng khuyến nghị khả quan cho nhóm cổ phiếu trong ngành với sự kỳ vọng vào sự phục hồi trong năm 2024 và xa hơn nữa.
Đánh giá cụ thể về triển vọng kinh doanh tại các mã chứng khoán trên, nhóm phân tích của SSI cho rằng doanh thu mảng công nghệ của mã MWG vẫn có thể giảm trong quý 2 và 3, sau đó hồi phục dần trong quý 4. Trên cơ sở tỷ suất lợi nhuận của của công ty dự kiến sẽ cải thiện từ quý 3, nhờ áp lực cạnh tranh về giá “giảm nhiệt” cộng thêm tỷ trọng tồn kho thấp hơn. Đối với mảng kinh doanh bách hóa, báo cáo của SSI kỳ vọng tình hình sẽ khả quan hơn với việc MWG điều chỉnh danh mục sản phẩm và nâng cao chất lượng thực phẩm tươi sống để thu hút khách hàng mới, từ đó cải thiện doanh thu và tỷ suất lợi nhuận.
Theo bà Phương, chuỗi Bách hóa xanh của MWG có tỷ trọng doanh thu từ mặt hàng thực phẩm tươi sống rất cao, chiếm khoảng 40-50% tổng doanh thu và đây là điểm thu hút khách hàng chính trong dài hạn. Công ty cũng đặt mục tiêu mảng kinh doanh này sẽ có lãi vào năm 2023. Hiện doanh thu trong tháng Năm đạt 1,4 tỷ đồng/cửa hàng và giả định tiếp tục cải thiện dần (2% mỗi tháng) trong 1-2 năm tới, mảng kinh doanh bách hóa của MWG sẽ đạt điểm hòa trong năm 2024 và có lợi nhuận ròng dương cho năm 2025.
Trên cơ sở đó, SSI dự báo lợi nhuận ròng năm 2023-2024 của MWG ước đạt lần lượt là 2,4 nghìn tỷ đồng và xấp xỉ 5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, khả năng lợi nhuận của MWG có thể đã tạo đáy trong quý 1 và báo cáo của SSI đưa ra mức giá mục tiêu mới là 59.400 đồng/cổ phiếu (từ 43.900 đồng/cổ phiếu), với tiềm năng tăng giá là 24% so với giá hiện tại.
Với mã FRT, nhóm phân tích kỳ vọng hàng tồn kho iPhone cũ sẽ được bán hết trước tháng Chín trước khi mẫu iPhone mới được ra mắt, nhờ đó cải thiện tỷ suất lợi nhuận của công ty từ quý 4. SSI cũng kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của FPT Shop sẽ phục hồi từ cơ sở thấp với tốc độ nhanh hơn so với các công ty khác cùng ngành. Mảng dược phẩm của FRT sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở mới và lợi nhuận sẽ tăng lên nhờ cải thiện về doanh thu trong 2-3 năm tới. Vì vậy, mức giá mục tiêu mới dự báo cho FRT là 105.000 đồng với tiềm năng tăng giá là 39%.
Về PNJ, báo cáo của SSI đưa ra mức dự báo lợi nhuận sẽ giảm hai con số trong quý 2 và 3, sau đó lấy đà hồi phục trong quý 4. SSI ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2023-2024 của PNJ là 1,7 nghìn tỷ đồng và gần 2 nghìn tỷ đồng. Theo đó, SSI đưa ra mức giá mục tiêu mới là 86.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức tiềm năng tăng giá là 18%.
Ngoài ra, SSI kỳ vọng lợi nhuận của DGW cũng có thể đã chạm đáy về giá trị tuyệt đối trong quý 1. Cụ thể, lợi nhuận của DGW dự kiến giảm so với cùng kỳ trong quý 2 và 3, sau đó tăng trưởng trở lại trong quý 4. Nhóm phân tích dự báo DGW sẽ đạt lợi nhuận sau thuế năm 2023-2024 lần lượt là 456 tỷ đồng và 621 tỷ đồng. Từ đó, SSI đưa ra mức giá mục tiêu mới cho mã chứng khoán này là 41.900 đồng/cổ phiếu.
“Chúng tôi thấy rằng giá cổ phiếu DGW có thể đã phản ánh trước các triển vọng tích cực trước khi lợi nhuận phục hồi. Trong khi đó, giá cổ phiếu MWG, FRT và PNJ vẫn đang ở mức hấp dẫn. Triển vọng dài hạn của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại và kế hoạch huy động vốn của các công ty. Đây có thể là chỉ báo dẫn trước cho triển vọng tăng trưởng lợi nhuận,” bà Phương cho biết./.