“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) sẽ tiếp tục triển khai việc rút ngắn thời gian thanh toán về T+2 cho phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất đồng thời áp dụng một số loại lệnh giao dịch mới, như cho phép nhà đầu tư mua bán trong ngày để góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.”
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và dự kiến chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2015, ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nội dung trên sẽ là một trong những công tác được SSC đẩy mạnh trong sáu tháng của năm 2015.
Thúc đẩy thanh khoản
Vào trung tuần tháng Sáu, Ủy ban Chứng khoán đưa ra thông báo về việc lấy ý kiến các thành viên thị trường về Quy trình rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống còn T+2 và Dự thảo sửa đổi Thông tư 74, trong đó nhà đầu tư được vay chứng khoán và bán T+0. Mặc dù đây chỉ là thông tin lấy ý kiến, nhưng động thái này của SSC dường như đã thổi vào thị trường chứng khoán một “làn gió mát”, sau thời gian dài chờ đợi “mỏi mòn” của các thành viên trên thị trường. Kết quả, thời điểm đó thị trường đã có những phản ứng rất tích cực bằng các hoạt động giao dịch đầy khởi sắc.
Trước đó, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2015, ông Nguyễn Kiên, Đại diện Nhóm Công tác Thị trường Thị trường Vốn cũng chỉ ra mức vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 46 tỷ đô la Mỹ, chỉ tương đương với 25% GDP, đây là mức rất thấp so với một số quốc gia trong khu vực ASEAN.
“Chúng tôi nhận thấy rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi thụt lùi, đặc biệt khi so sánh với các nước ASEAN,” ông Kiên nhấn mạnh.
Ông Kiên cho rằng, để tạo thanh khoản tốt cho thị trường chứng khoán, Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện công tác cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp Nhà nước, như cho phép bán từ 25 đến 30% cổ phần của doanh nghiệp được cổ phần hóa thông qua các nhà môi giới chứng khoán quốc tế và chuyên nghiệp.
“Trong 3 năm vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã đợi Chính phủ tăng sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng và hiện tại chúng tôi vẫn đang đợi Chính phủ thông qua Nghị định 58/2012/NĐ-CP sửa đổi [Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán-pv],” ông Kiên nói.
Ghi nhận những đóng góp kiến nghị cũng như sự mong mỏi chính đáng của các thành viên trên thị trường về việc áp dụng các phương thức giao dịch chứng khoán theo thông lệ quốc tế, ông Long cũng cho biết, trong thời gian tới, SSC sẽ hoàn thiện khung khổ pháp lý trong đó đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Nghị định sửa đổi Nghị định 58, Nghị định về thị trường chứng khoán phái sinh nhằm khơi thông triệt để dòng vốn và hàng hóa cho thị trường chứng khoán, gắn cổ phần hóa với đăng ký giao dịch, niêm yết, thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Mạnh tay tái cấu trúc
Cũng tại Hội nghị, Báo cáo công tác của Ủy ban Chứng khoán cho biết, hoạt động tái cấu trúc về vốn, cổ đông chiến lược, nghiệp vụ kinh doanh, công nghệ, nhân sự, tổ chức đã được triển khai quyết liệt.
Theo đó, hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán đã có cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2014 với số công ty có lỗ lũy kế đã giảm đồng thời vốn chủ sở hữu của tổng số các công ty chứng khoán tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014.
Hiện, trên thị trường còn 81 công ty chứng khoán đang hoạt động, giảm 24% tổng số công ty chứng khoán đồng thời năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán đang dần được nâng cao theo thông lệ quốc tế.
Ông Nguyễn Thành Long cho biết, tính đến tháng 6/2015, thị trường chứng khoán có 27 quỹ hoạt động, trong đó có 17 quỹ mở, 2 quỹ ETF và 8 quỹ thành viên. Sắp tới đây, Ủy ban đang xem xét hồ sơ chào bán cho một công ty đầu tư chứng khoán.
Như vậy sau 3 năm thực hiện đề án tái cấu trúc, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các sản phẩm quỹ mở đã thay thế hoàn toàn quỹ đóng. Thêm vào đó, mô hình quỹ mở ngày càng trở nên hiện đại, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và được giám sát bởi hệ thống ngân hàng giám sát, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư tốt hơn. Kết quả công tác tái cấu trúc đã thu hẹp khoảng gần 20% số lượng các công ty quản lý quỹ.
Về công tác quản lý công ty đại chúng và tạo hàng hóa cho thị trường, Báo cáo cho biết trong 6 tháng, số lượng công ty niêm yết mới tăng khoảng 19 công ty song bên cạnh đó có 21 công ty bị hủy niêm yết chủ yếu do không đáp ứng được điều kiện. Do vậy, tổng số công ty niêm yết trên hai Sở giao dịch chứng khoán có 667 công ty và 202 đơn vị đang giao dịch trên thị trường UpCoM.
Theo ông Long, SSC đang đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Quyết định 51 [về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước-pv] và gắn với việc niêm yết cũng như đăng ký giao dịch. Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ chú trọng hơn trong việc nâng cao chất lượng các cổ phiếu niêm yết thông qua việc nâng cao chất lượng quản trị công ty, quản trị rủi ro và tăng cường tính minh bạch trên thị trường.
Ông Long cũng cho hay, dòng tiền 98.000 tỷ đồng đã đổ về thị trường chứng khoán thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu (cả phát hành riêng lẻ), đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu Chính phủ kể từ đầu năm đến nay và trong 5 tháng, toàn thị trường đã tổ chức đấu giá cho 54 doanh nghiệp tăng 17% so với cùng kỳ năm 2014./.