Sri Lanka tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka tiếp tục bế tắc khi các nghị sĩ trung thành với Tổng thống đương nhiệm Maithripala Sirisena đã đồng loạt tẩy chay các phiên họp của Quốc hội.
Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka tiếp tục bế tắc khi các nghị sĩ trung thành với Tổng thống đương nhiệm Maithripala Sirisena đã đồng loạt tẩy chay các phiên họp của Quốc hội.

Một số nghị sĩ, bao gồm cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse-người được ông Sirisena bổ nhiệm giữ chức Thủ tướng sau khi bất ngờ sa thải ông Ranil Wickremesinghe, cho biết họ sẽ tẩy chay các phiên họp Quốc hội cho tới khi Chủ tịch Karu Jayasuriya "hành xử một cách công bằng" và công nhận họ là chính phủ hợp pháp.

Trước đó, trong phiên họp Quốc hội hồi tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Jayasuriya tuyên bố nước này không còn có thủ tướng hay chính phủ sau khi ông Rajapakse và chính phủ của mình thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Lãnh đạo đảng Mặt trận Tự do quốc gia Wimal Weerawansa, một đảng trung thành với cựu Tổng thống Rajapakse, cho rằng Chủ tịch Quốc hội không có quyền phản đối các quyết định của Tổng thống cũng như quyền lựa chọn một Thủ tướng.

Ông tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không công nhận Chủ tịch (Jayasuriya) là Chủ tịch hợp pháp." Ông này cũng nói thêm rằng chính phủ của ông Rajapakse sẽ tiếp tục kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

[Tổng thống Sri Lanka: Không tái bổ nhiệm Thủ tướng bị cách chức]

Khủng hoảng chính trị bùng phát tại Sri Lanka sau khi Tổng thống Sirisena ngày 26/10 vừa qua bất ngờ cách chức Thủ tướng Wickremesinghe, bổ nhiệm ông Rajapakse lên thay và đình chỉ hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đảng Thống nhất Dân tộc (UNP) của ông Wickremesinghe nắm đa số trong Quốc hội, nỗ lực của Tổng thống Sirisena đưa ông Rajapakse trở thành Thủ tướng đã thất bại. Ông Rajapakse đã không vượt qua được hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, song không chấp nhận từ chức. Trong khi đó, ông Wickremesinghe khẳng định ông vẫn tại nhiệm và tiếp tục ở dinh thự Thủ tướng.

Tổng thống Sirisena đã kêu gọi bầu cử trước thời hạn vào tháng 1/2019. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Sri Lanka đã đình chỉ sắc lệnh giải tán Quốc hội của Tổng thống Sirisena, đồng thời ra lệnh ngừng mọi công tác chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sớm.

Các căng thẳng chính trị đã khiến chỉ số tín nhiệm của Sri Lanka sụt giảm. Chính quyền nước này ngày 22/11 thông báo sẽ ngừng phát hành trái phiếu chính phủ vì các chi phí vay quốc tế tăng vọt sau khi chỉ số tín nhiệm bị hạ bậc do khủng hoảng chính trị.

Bên cạnh đó, các nghị sĩ ở cả hai phe cho rằng chính quyền tê liệt khiến nhiều lĩnh vực quan trọng, như du lịch, của đảo quốc ở Ấn Độ Dương này đang bị ảnh hưởng nặng nề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục