Ngày 12/4, Sri Lanka chính thức tuyên bố không còn khả năng thanh toán số nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD, đồng thời nhấn mạnh đây là phương án cuối cùng sau khi quốc gia này không đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu.
Trong thông báo, Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết các chủ nợ, bao gồm các chính phủ nước ngoài, được quyền vốn hóa tiền lãi đến hạn từ ngày 12/4, hoặc lựa chọn nhận thanh toán bằng đồng rupee của Sri Lanka.
Thông báo nêu rõ biện pháp khẩn cấp này là phương án cuối cùng để ngăn tình hình tài chính của quốc gia này xấu đi và nhằm đảm bảo công bằng cho mọi chủ nợ.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Thống đốc Ngân hàng trung ương Sri Lanka P. Nandalal Weerasinghe cho biết Sri Lanka sẽ tạm dừng thanh toán các khoản nợ nước ngoài để tiến hành tái cơ cấu nợ và tránh nguy cơ vỡ nợ.
[Sri Lanka tiếp tục chìm sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện]
Dự kiến, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ có các cuộc thảo luận với Sri Lanka về chương trình cho vay vào tuần tới nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Á này vượt qua khủng hoảng.
Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948 do thiếu ngoại tệ trầm trọng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, trong đó có nhiêu liệu.
Việc thiếu nguồn cung nhiêu liệu tại quốc gia 22 triệu dân này đã khiến hoạt động giao thông vận tải công cộng tê liệt trong ngày 31/3. Ngoài ra, công ty điện lực quốc gia Sri Lanka thông báo tăng thời gian cắt điện hằng ngày lên 13 giờ do không có đủ dầu nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện.
Giữa lúc khủng hoảng leo thang, toàn bộ 26 bộ trưởng trong chính phủ Sri Lanka đã từ chức vào cuối tuần qua. Ngày 5/4, tân Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry cũng đã từ chức chỉ một ngày sau khi được bổ nhiệm vị trí này.
Ngày 8/4, đảng đối lập chính Samagi Jana Balawegaya (SJB) tại Sri Lanka đã yêu cầu chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, nếu không sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm./.