SPS VN đề nghị thảo luận tiêu chuẩn của Brazil với thủy sản nhập khẩu

Theo SPS Việt Nam, quy định tiêu chuẩn của Brazil với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu của Việt Nam chưa phù hợp với các tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm LHQ và thông lệ quốc tế.
SPS VN đề nghị thảo luận tiêu chuẩn của Brazil với thủy sản nhập khẩu ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) vừa có văn bản gửi Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Geneva, Thụy Sĩ (Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ) và đề nghị liên hệ với Phái đoàn thường trực của Brazil tại WTO để chuyển ý kiến quan ngại của Việt Nam về việc Brazil áp dụng các quy định vượt mức thông lệ quốc tế đối với các sản phẩm thủy sản (tôm, cá tra) nhập khẩu của Việt Nam.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, trong văn bản gửi Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva, Văn phòng SPS Việt Nam cũng đề xuất họp song phương (trực tuyến) để thảo luận về các vấn đề trên.

Đồng thời, tiến hành các thủ tục cần thiết để đưa nội dung quan ngại của Việt Nam với Brazil vào Chương trình Nghị sự của Ủy ban SPS phiên họp tháng 3/2021.

Liên quan đến các quy định nhập khẩu sản phẩm cá và tôm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế của phía Brazil, ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phân tích, về việc sử dụng phụ gia (muối phosphate và các chất tương tự) đối với sản phẩm thủy sản bao gồm cá và tôm, phía Brazil quy định chỉ cho phép sử dụng phụ gia phosphates bên ngoài lớp mạ băng đối với sản phẩm thủy sản.

[Linh hoạt thị trường, xuất khẩu tôm kỳ vọng khởi sắc trong năm 2021]

Quy định này chưa phù hợp với các tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm (Codex) của Liên Hợp quốc và thông lệ quốc tế.

Cụ thể, theo tiêu chuẩn chung về phụ gia thực phẩm được Codex ban hành (CODEX STAN 1992-1995, sửa đổi năm 2018) thì phụ gia thực phẩm là chất được bổ sung vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến nhằm mục đích công nghệ; phosphates và các chất tương tự là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng đối với sản phẩm thủy sản để điều chỉnh độ axit, giữ ẩm, làm dày, ổn định sản phẩm với mức giới hạn tối đa là 2200mg/kg (tính theo phosphorus).

Các thị trường nhập khẩu như EU, Hoa Kỳ, Canada,... cũng cho phép sử dụng phosphates đối với sản phẩm thủy sản với mức giới hạn trong cơ thịt tối đa là 5g/kg (tính theo P2O5) và được sử dụng trong các công đoạn chế biến với mục đích công nghệ đúng như tiêu chuẩn của Codex, không quy định chỉ được sử dụng bên ngoài lớp mạ bằng.

Về việc kiểm tra các chỉ tiêu hóa lý đối với cá đông lạnh, phía Brazil ban hành mức giới hạn đối với các chỉ tiêu hóa lý (muối, tỷ lệ ẩm/protein, kali,...) đối với cá đông lạnh dựa trên kết quả phân tích 500 mẫu của các loài cá khác nhau và mục đích kiểm tra các chỉ tiêu này để đánh giá chất lượng của sản phẩm cá (sản phẩm có xử lý phụ gia hay không).

Tuy nhiên, phía Brazil chưa cung cấp được cơ sở để khẳng định mối liên quan giữa các chỉ tiêu hóa lý đối với việc sử dụng phụ gia (muối phosphates).

Trong khi đó, hiện nay, Ủy ban Codex và các quốc gia nhập khẩu sản phẩm cá đông lạnh của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ,... không quy định các chỉ tiêu hóa lý đối với cá đông lạnh.

Bên cạnh đó, Brazil cũng quy định cơ sở sản xuất phải tiến hành đăng ký sản phẩm trước khi xuất khẩu bao gồm các thông tin, thành phần sản phẩm, quy trình sản xuất và nhãn sản phẩm để cơ quan thẩm quyền Brazil phê duyệt trước khi xuất khẩu sang Brazil.

Để thực hiện quy định này, doanh nghiệp phải chờ đợi khoảng 1 tháng mới nhận được ý kiến chấp thuận của cơ quan thẩm quyền Brazil cho việc đăng ký sản phẩm.

Theo thông lệ quốc tế, chưa có quốc gia nào ngoài Brazil có quy định tương tự, gây khó khăn, tốn kém thời gian, kinh phí cho cả doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu.

Về chế độ xử lý nhiệt đối với sản phẩm tôm đã chế biến (xử lý nhiệt trong buồng kín, nấu chín, thanh trùng...), hiện tại, phía Brazil không quy định chế độ xử lý nhiệt theo từng chỉ tiêu bệnh tôm mà quy định chung chế độ xử lý nhiệt cho từng loại sản phẩm.

Chế độ xử lý nhiệt của Brazil khắt khe hơn theo hướng dẫn của OIE (Aquatic Animal Health Code) đối với sản phẩm tôm đã nấu chín và tôm thanh trùng.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia, phù hợp với các thông lệ quốc tế, cơ quan chức năng Việt Nam đề nghị phía Brazil tham khảo, sửa đổi quy định về sử dụng phosphates cho phù hợp với quy định của Codex và thông lệ quốc tế. Xem xét, bỏ quy định kiểm tra các chỉ tiêu hóa lý đối với cá đông lạnh cho đến khi chứng minh được mối liên quan giữa các chỉ tiêu hóa lý này đối với việc sử dụng phụ gia (muối phosphates).

Cơ quan chức năng Việt Nam cũng đề nghị phía Brazil xem xét, bỏ quy định về đăng ký sản phẩm trước khi xuất khẩu, đồng thời chỉ quy định chế độ xử lý nhiệt đối với tôm nấu chín tối đa là 100°C trong 1 phút theo hướng dẫn của OIE cho phù hợp thông lệ quốc tế.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Brazil năm 2020 đạt hơn 44 triệu USD; trong đó, riêng cá tra chiếm 43 triệu USD.

Mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhưng Brazil được xác định là thị trường còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu cá tra. Do đó, việc tháo gỡ những những quy định khác và cao hơn thông lệ quốc tế của Brazil đối với thủy sản sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường này trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục