-
Từ trái qua phải, Đỗ Khắc Nghĩa (1993), Phạm Phú Cường (1984), Trẻo Ông Lở (1990), Bùi Duy Linh (1987), Nguyễn Văn Bình (1986).
-
18 giờ, khi bóng chiều trở nên nhập nhoạng trong làn sương mù đặc kéo lên từ thung lũng Mường Hoa cũng là lúc bắt đầu ca làm việc của tổ bảo dưỡng cáp treo Fansipan
-
Anh Phạm Phú Cường, Tổ trưởng Tổ bảo dưỡng cáp đang dặn dò anh em phải chuẩn bị các dụng cụ bảo hiểm thật kỹ càng. Vốn là một trong những người đầu tiên gắn bó với tuyến cáp treo Fansipan, kinh nghiệm cho anh biết tình hình thời tiết cuối năm sẽ diễn biến rất phức tạp ảnh hưởng đến công việc của toàn đội.
-
Kho dụng cụ của tổ bảo dưỡng được đặt gọn ghẽ ở một góc trong nhà khu tầng hầng của nhà ga đi cáp treo Fansipan.
-
Anh Nguyễn Văn Bính, một trong những "người nhện" lâu năm tại đây đang tỏ ra lo lắng. Mỗi ca bảo dưỡng với anh vừa là công việc vừa là một thử thách của sự dũng cảm, lòng kiên trì.
-
7 giờ tối, toàn bộ hệ thống ga cáp treo sẽ được nghỉ để đội bảo dưỡng có thể tiến hành công việc.
-
Địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, chính vì vậy Công ty Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan Sapa đã phải huy động đội kỹ sư bảo trì tuyến cáp công vụ từ Bà Nà Hill (Đà Nẵng) ra để đảm đương công việc đầy thử thách này. Họ là những kỹ sư tinh nhuệ, chuyên nghiệp với kỹ năng leo trèo tốt.
-
Đội bảo dưỡng được chia làm 2 ca, ca đầu tiên từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều để dành bảo dưỡng hệ thống cabin. Ca thứ hai từ 14 giờ chiều đến 23 giờ đêm là ca làm khắc nghiệt và vất vả nhất.
-
20 giờ, nền nhiệt độ xuống thấp chỉ khoảng 11-12 độ C, nhưng anh Cường vẫn toát mồ hôi vì phải liên tục lau buli và dây cáp đối trọng. "Công việc chính của tụi mình là vệ sinh hệ thống theo lịch. Chủ yếu kiểm tra độ an toàn, sự ổn định của buli. Trong buli có những vòng bi chạy, sau một thời gian sẽ bị rã ra. Mình phải kiểm tra lại để tháo dỡ và thay thế."
-
"Công việc của bọn mình không được suôn sẻ cho lắm. Nếu như trời mưa gió thì bọn mình không thể ra ngoài tuyến làm việc được mà chỉ làm ở hai nhà ga vì tuy gió rét lạnh nhưng lượng mưa ít nên vẫn cố gắng làm việc được. Nếu trời không mưa bọn mình sẽ cố gắng ra ngoài tuyến làm việc, công việc ngoài tuyến đã chiếm đến 70% rồi. Chưa kể những hôm có băng tuyết còn khó khăn hơn nữa", anh Bùi Duy Linh, một thành viên tổ bảo dưỡng cáp chia sẻ.
-
Phía bên ngoài nhà ga, sương bắt đầu kéo xuống, mỗi bước chân ra ngoài đường ray đều trơn trượt, đội bảo dưỡng phải chia theo nhóm hai người một đi sát nhau để phòng rủi ro.
-
Trẻo Ông Lở, một chàng trai người Mông đang cần mẫn đi tra dầu vào đường ray. Nhớ lại những ngày đầu, Lở cho biết cảm giác hồi hộp pha chút lo sợ, bất an vẫn vẹn nguyên. Do thường xuyên phải leo trụ, kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống cáp nên cả đội đã khá quen với công việc này.
-
"Mỗi buổi phải treo mình ngoài khoảng không. Phải làm việc ở một độ cao rất lớn, mình được đào tạo rồi nên cũng không ngại nhưng so với một số anh em mới bước chân vào thì rất sợ. Mình cũng phải cố gắng động viên và đảm bảo an toàn cho anh em.", anh Bính vừa đánh bóng hệ thống ray vừa chia sẻ.
-
Một ca đêm gồm 5 người lần lượt thay phiên nhau bảo dưỡng từng thành phần của hệ thống cáp treo.
-
Trong khoảng 4 tiếng, đội bảo dưỡng phải hoàn thiện hết các công việc như bơm dầu, bôi mỡ, kiểm tra buli, kiểm tra cáp xem độ mỏi, độ an toàn, đến thời kỳ thay thì thay đi để đảm bảo độ an toàn.
-
Công việc bảo dưỡng cáp tuy khó khăn vất vả nhưng thực sự đã làm thay đổi cuộc sống của những người Mông trẻ như Lở.
"Em thích làm việc ở ngoài trời vì thấy thoải mái và tự do. Công việc này đã giúp cuộc sống của em thay đổi. Một thời gian sau thu nhập giúp ổn định gia đình em, hơn nữa lại gần nhà nên thỉnh thoảng em có thể về thăm nhà và vợ", Lở tâm sự.
-
-
Phía bên trong nhà điều hành luôn có một người túc trực để theo dõi đội bảo dưỡng cáp làm việc đề phòng rủi ro.
-
Khó khăn và nguy hiểm bậc nhất chính là bảo dưỡng hệ thống cáp bên ngoài khoảng không. Đội bảo dưỡng phải chui vào trong một cabin công vụ rồi từ đó trèo ra ngoài.
-
Đứng từ xa nhìn những người đồng nghiệp bắt đầu thực hiện công việc, anh Đỗ Khắc Nghĩa không khỏi hồi hộp.
-
Thực chất, là những "tarzan" lành nghề, việc leo trèo với họ không phải là vấn đề. Trở ngại lớn nhất chính là thời tiết. Mùa nóng thì không sao, nhưng khi thời tiết vào đông cũng chính là lúc thử thách ý chí và sức bền nhất của họ.
-
Anh Bính cho hay, có những năm tuyết rơi phủ trắng Sapa, quần áo mặc nhiều, găng tay phải đi 2-3 đôi mới đủ sức chịu đựng.
-
Đội bảo dưỡng phải treo mình trên đỉnh sợi cáp hàng tiếng đồng hồ để kiểm tra lại hệ thống ròng rọc và dây cáp.
-
-
"Điều kiện tối thiểu để cáp có thể chạy được là băng đóng dày dưới 20mm. Mỗi sáng mùa đông, mình sẽ cùng 3-4 người nữa đi khởi động, mọi người sẽ trèo ra ngoài vừa đi vừa gõ cho băng tan ra trên sợi cáp để có thể hoạt động như bình thường." anh Bính cho biết.
-
Treo mình ở khoảng không là một thử thách không hề nhỏ khi chính họ ngày ngày phải đối diện với tử thần từ những điều rủi ro không lường trước.
-
Khoảng 22 giờ đêm khi toàn bộ tuyến cáp đã được bảo dưỡng, bước chân xuống cabin, anh Bính và Lở mới thở phào nhẹ nhõm.
-
Treo mình trên độ cao hàng trăm mét so với mặt đất, chịu sức gió quần quật, tắm trong sương lạnh có lúc sát ngưỡng số 0 đó là thứ “đặc sản” mà những cán bộ bảo dưỡng cáp như anh Cường, anh Bính, Lở,... vẫn được “hưởng” để đảm bảo an toàn cho những chuyến cabin đi về.
-
Nhưng cũng nhờ có những người như các anh, cả một tuyến cáp kỷ lục dài 7.000 mét mới được an toàn, trọn vẹn chờ đón du khách khám phá đỉnh Fansipan hùng vĩ.