Ông lão tóc bạc trắng, mang ca táp đã cũ mèm phanh đánh “két” chiếc xe gắn máy trước cửa tiệm rồi giơ giơ năm ngón tay. Từ phía trong, người phụ bán nhanh nhảu mang ra một túi cơm không còn nóng rẫy, cẩn thận treo vào hông xe cho khách.
Cảnh tượng ấy từ hơn chục năm nay đã trở nên quen thuộc với người dân trên con phố ga ngay giữa Sài Gòn. Những sạp, những tiệm cơm trắng, “cơm không người lái” cho dân nghèo ngay trước cửa ga cuối của hành trình tàu hỏa Bắc- Nam như một nốt lặng rưng rưng cho phận người lao động tha hương, xa xứ...
Phố ga cơm trắng thực ra là cách người lao động từ tứ phương quen miệng gọi đường Nguyễn Thông (phường 9, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh). Tuyến phố nhỏ vắt mình từ đúng cửa ga Sài Gòn ngoằn ngoèo, dày đặc những ngõ, ngách hình xương cá đan xen. Sở dĩ, nó “chết danh” là phố cơm trắng là bởi đây là con đường gần như duy nhất của toàn bộ thành phố náo nhiệt này bán cơm không, cơm theo ký mà không kèm theo thức ăn. Chỉ một đoạn ngắn chừng 100m từ ngã ba ga đến giao lộ đường Rạch Bùng Binh đã có gần chục sạp, quán bán thứ hàng hóa giản đơn này.
Chị Nguyễn Thanh Nga, chủ tiệm số 149 là một trong những người đầu tiên nấu cơm không để bán. Cách đây chẵn 17 năm, bà chủ gốc Hải Dương thấy nhiều người lao động tứ xứ về cư ngụ ở quanh ga ngày ngày lao đao với cơm áo, gạo tiền thì bỗng nảy ra ý nghĩ sẽ bán cơm không theo cân.
“Tôi thấy anh chị em, cô bác cực chuyện bữa ăn quá. Mua cơm dĩa ở ngoài thì đắt đỏ. Tôi nghĩ bán cơm không thì có lợi cho họ hơn vì chỉ cần hai ba ngàn là đủ ăn rồi. Nghĩ thế thì làm thế thôi,” người phụ nữ trung tuổi mặt đỏ rực vì hơi nóng từ gần chục nồi đang nghi ngút sôi cười rổn rảng.
Bắt đầu từ suy nghĩ giản đơn ấy, tiệm cơm trắng ra đời như một thứ duyên nợ lạ lùng trong lòng thành phố náo nhiệt vào dạng nhất nhì cả nước. Những ngày đầu, các ông chủ, bà chủ sạp chỉ dám “thử nghiệm” vài chục cân gạo mỗi bữa. Cơm nấu ra lại nơm nớp đợi khách.
“Lúc mới bán, khách đến quán mua cơm thưa thớt lắm, một ngày nấu hơn 20 kg gạo vẫn còn,” chị Nga kể lại.
Quán cơm không của chị Nga nườm nượm khách đến mua từ sáng đến tối mịt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhưng, không phụ lòng người, khách, vốn là những bác bán vé số dạo, anh đánh giày, cô công nhân... cư ngụ trong những hẻm nhỏ nghèo quanh ga nườm nượp ghé quán. Từ số lượng chỉ vài chục ký, tiệm 149 đã tăng lên 400-500 ký gạo mỗi ngày để phục vụ nhu cầu. Các nhà khác cũng theo đó mà mở thêm những quán nho nhỏ, nằm nép sát bên cuối phố Nguyễn Thông.
Và cái tên “Phố ga cơm trắng” chính thức ra đời, trở thành một nét lạ mà không đâu có được. Tiệm mở ra không cần lớn. Có khi chỉ là sạp được dựng vội trên chiếc xe đẩy có mái che, phía trước treo lơ đễnh một tấm biển khiêm tốn: Bán cơm không. Cơm được hâm nóng liên tục trong những chiếc nồi cỡ lớn đặt trên bếp gas tự chế. Nhà nào quy mô hơn thì dành hẳn khoảng phòng phía trước làm nơi nấu nướng. La liệt bếp và nồi. Hầm hập lửa và hơi nước sôi nghi ngút. Chỉ đơn giản thế cũng thành tiệm, thành hàng. Bước vào phố ga mỗi sáng, mùi cơm thơm nức từ một loạt cửa hiệu khiến người đi qua không khỏi cồn cào. Thứ mùi, vị ấy trở thành một nét khó lẫn loãng giữa thành phố hơn 8 triệu dân này.
Gạo để nấu được chọn loại gạo vừa tầm tiền nhưng vẫn ăn được. Cơm cũng được phân làm nhiều loại tùy theo nhu cầu của người mua: Cơm khô có giá 8.000 đồng/ký, cơm dẻo hơn là 10.000 đồng. Khách đến chỉ cần báo số tiền, người trong quán sẽ mang những túi nilon chia sẵn treo lên xe cho khách.
Đã làm nghề nhiều năm, chị Nguyễn Thị Thu cho biết: Công việc này nhìn thì nghĩ nhẹ nhàng, đơn giản nhưng thực sự rất cực.
“Hàng ngày, chúng tôi bắt đầu phải nấu từ sáng sớm. Nơi nấu nướng thì chỉ rộng 10m2 mà kê hơn chục bếp. Hơi nóng bay ra dữ lắm, chị em chúng tôi ai cũng bỏng lên bỏng xuống khắp người,” chị Thu vừa chỉ vết sẹo thâm đen ở cánh tay, vừa nói.
Bà chủ Nga thấy vậy thì bảo: Cũng có chị xin vào làm, nhưng cực quá, chỉ tới chiều là xin nghỉ.
“Chị em làm ở đây toàn trâu thôi hà,” chủ tiệm bật cười trong hơi lửa hầm hập như xông hơi giữa gian bếp ngột ngạt.
Chị Huỳnh Thị Minh Nguyệt, một bà chủ với hơn 10 năm thâm niên trong nghề chia sẻ: Khách hàng chủ yếu của phố cơm không ban đầu chỉ là tầng lớp người lao động tứ xứ, người vô gia cư, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, dần dần, các quán cơm khác từ khắp nơi cũng biết tiếng nên đến đặt hàng với số lượng vài chục cân mỗi bữa.
Cơm được cân ký, nóng hổi trong những túi nilon màu trắng. Đây là lựa chọn phù hợp với những người lao động thu nhập thấp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhưng không phải vì có “mối lớn” mà các ông bà chủ ở con phố nằm sát ga Sài Gòn quên đi “mối ruột”. Ngày ngày, họ vẫn cặm cụi nấu rồi lại cặm cụi đong cơm theo lạng ra túi nilon nhỏ, ủ ấm từng phần đợi khách quen.
5 giờ chiều. Đường Nguyễn Thông bắt đầu nghèn nghẹt xe cộ.
Từ phía xa, một ông lão tóc bạc trắng, mang ca táp đã cũ mèm dừng két chiếc xe gắn máy cũ kỹ trước cửa tiệm rồi giơ giơ năm ngón. Từ phía trong, người phụ bán nhanh nhảu mang ra một túi cơm không còn nóng rẫy cẩn thận treo vào hông xe. Vị khách, tay run run lần giở một xấp tiền lẻ được cuốn kỹ trong một lớp giấy bóng nhãu nhĩ kiếm tờ năm ngàn trả cho quán.
“Tội lắm, cụ ông mấy năm rồi mua cơm ở tiệm này. Nhà cửa, vợ con không biết ở đâu nhưng ngày nào cũng tầm chiều thì ghé qua mua. Ông cụ người ngoài Bắc, hơi lẫn rồi,” bà chủ Nga chép chép miệng.
Trong suốt ngót nghét hai thập kỷ đứng bán “cơm không người lái”, chị gặp đủ mọi cảnh đời buồn vui.
Đó là chuyện một bác xích lô nhà tận Quảng Ngãi phải xa quê vào khu ga làm kiếm đồng ra đồng vào gửi về cho vợ con. Nhà cửa cũng không dám thuê, ngày ngày ông kẽo cọt còng lưng đạp xe đến tiệm chỉ để mua 2 ngàn cơm không về ăn chung với dưa cà. Đó còn là chuyện của ông giáo già neo đơn phải đi thuê nhà trong dãy trọ lúp xúp cuối đường Trần Văn Đang gần phố cơm. Cứ đến bữa, ông lại xấp ngửa ra tiệm 149 mua dăm lạng về lót dạ.
“Khách mua lẻ trừ những nhà có việc hoặc ngại nấu thì đa phần là người khó khăn. Họ mua về, có khi luộc thêm quả trứng, bìa đậu cũng qua bữa, so với ăn cơm tiệm mấy chục ngàn còn rẻ hơn nhiều,” chị Nga thở dài.
Những bát cơm ngon rẻ đã 'cứu rỗi' dạ dày những người dân nghèo cả chục năm qua. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong hàng chục khách ghé quán, chị kể vanh vách: “Cậu thanh niên này làm bảo vệ ca đêm, mua 3 ngàn ăn chung với trứng mang sẵn từ nhà; chú đen đen vừa nãy là xe ôm cổng ga quê Long An. Còn nhỏ bịt khẩu trang, đi xe Honda cũ là sinh viên thuê trọ trong hẻm đối diện...”
“Lắm khi, mấy cô bác bán vé số ế, không có tiền trả, chúng tôi cũng bán chịu để khi nào họ có tiền thì trả sau. Gặp người cơ nhỡ, tiệm cũng cho luôn. Mà ai mua chừng nào tiền, dù có 1,2 ngàn cũng được. Làm nghề này rồi thì mới biết còn nhiều người nghèo quá, mình vẫn có phước hơn người ta nên chúng tôi ráng làm, ráng giữ giá cơm ký đến khi nào có thể,” bà chủ vừa đảo cơm, vừa tâm sự.
Suốt gần hai thập niên bán cơm, điều khiến chị Nga vui nhất là có những người tận vài năm sau vẫn nhớ và gọi điện hỏi thăm vì “khi ấy, tự nhiên mình lại thấy mình đã làm được một việc có ý nghĩa.”
Trong tiệm số 149, chị P. Là một trường hợp khá đặc biệt. Quê ở miệt dừa miền Tây, từ 4 năm nay, chị P. lên Sài Gòn theo cậu con trai cả đang là sinh viên trường Đại Học Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Hai mẹ con thuê căn phòng nhỏ với giá 1,2 triệu trong hẻm gần ga Sài Gòn. Ngày chân ướt chân ráo lên, chị được người ta dắt ra giới thiệu vào phụ bán tại tiệm Cơm không. Ngày ngày, khi cậu con trai đi học, chị lại ra quán vừa nấu vừa đứng bán.
“Làm ở đây, tôi được trả 4,5 triệu/tháng, được nuôi ăn ba bữa nữa. Tháng nào bán được, bà chủ lại thưởng thêm. Hai mẹ con tằn tiện cũng đủ tiền phòng, tiền học phí và một ít dư gửi về nhà cho ba con nó ở dưới quê,” chị P. thành thật. Cậu con trai của chị ngoài việc học cũng đã xin đi làm bảo vệ đến tối mịt mới về để phụ mẹ. Hai mẹ con không mấy khi được dùng chung bữa với nhau suốt mấy năm dài.
Cực là thế, nhưng người phụ nữ ấy vẫn luôn cười. Chị bảo, nhờ có phố cơm không ven ga này mà mẹ con chị mới “sống ổn” ở đất Sài Gòn. “Tôi ráng làm vài năm cho em ra trường rồi mới tính tiếp được,” chị gọn lỏn đáp khi được hỏi về dự tính sau này.
Càng về chiều, khách tới tiệm càng đông. Người bán vội đong cơm ra cân, người mua xong việc thì lại mải miết lẫn vào dòng xe đông nườm nượp. Thứ nhịp điệu sinh hoạt ấy ở con phố ngay trước cửa ga Sài Gòn lặp đi lặp lại đều đều đã suốt cả chục năm qua.
Làm việc quần quật từ sáng đến tối nhưng nụ cười không bao giờ tắt trên môi bà chủ quán cơm 'không người lái'. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhìn những bàn tay run run cầm từng túi cơm như sợ nó sẽ biến mất, tôi chợt nghĩ: Thứ nhịp điệu ấy, cái run run ấy giống như nét trầm lặng đáng quý ngay giữa lòng thành phố hoa lệ bậc nhất cả nước. Cơm trắng, cơm không và cả con phố ga ấy suốt nhiều năm qua đã, đang và sẽ còn nuôi giữ những giấc mơ của hàng trăm, hàng nghìn người nghèo khó.