Yến lại cười. Cái cười bẽn lẽn e thẹn trước câu hỏi về phần đời tư của cô công nhân làm gác ghi tàu hỏa.
“Có chi mô đâu anh. Cái nghề này vừa cực, vừa bạc, nỏ ai yêu cả,” Yến híp mắt, chất giọng Hà Tĩnh vỡ tan ra, giòn khúc khích.
Yến năm nay mới 23 tuổi, nhưng đã có tới 4 năm gác ghi tại điểm giao cắt đường Nguyễn Kiệm (phường 4, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay khi vừa hết cấp 3, cô gái quê Hà Tĩnh đã quyết định vào Sài Gòn học và theo ngành đường sắt.
Nói về nghề của mình, Yến hay dùng chữ Cực: “Cực lắm anh à. Người ngoài nhìn vô thì thấy chúng em nhàn, nhưng có làm thì mới biết. Đây là nghề phải uống gió, ăn bụi suốt ngày.”
Nói đoạn, Yến xòe ngay ra khẩu trang và chiếc áo khoác đồng phục ngoài của mình để “khoe” lớp bụi đã bạc phếch. Mỗi lần tàu chạy qua đây, người ngồi trong trạm còn thấy đất rung bần bật. Mấy chị em lại phải ra sát ray để giơ đèn và cờ hiệu, nên gió và bụi lại càng cuồn cuộn, ập táp vào mặt theo tốc độ của đoàn tàu đi.
Một ca làm việc của những nữ gác ghi kéo dài 12 tiếng. Trong khoảng thời gian này, họ sẽ phải đợi tàu đến và đi để nâng/hạ barie đảm bảo an toàn đồng thời phát cảnh báo chướng ngại vật nguy hiểm cho đoàn tàu nếu có. Công việc thường ngày không quá phức tạp, nhưng điều khiến những người gác chắn cảm thấy áp lực nhất là thái độ và ý thức của những người đi đường.
Giọng hơi nghèn nghẹn, Yến kể lại: “Lắm khi, tàu sắp đến, chúng em đã phát chuông báo tại chốt, rồi ra hạ barie rồi mà người ta vẫn cứ cố chèn lên, vượt qua đường ray. Nhắc nhở họ thì họ quay ra chửi bằng đủ thứ lời nặng nề nhất.”
Chỉ đến khi barie hạ xuống, đoàn tàu chạy qua an toàn thì những nữ gác tàu như Yến mới yên tâm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đang ngồi cạnh, nữ đồng nghiệp Nguyễn Thị Tâm của Yến cười khúc khích: “Gì chứ nghề này, bọn em toàn tự gọi nhau là nghề phải nghe chửi. Đóng chắn sớm dân cũng chửi, đóng muộn dân cũng mắng. Mấy anh đồng nghiệp nam còn đỡ, chứ chị em nữ thậm chí còn bị dọa đánh. Nhưng riết rồi thì cũng quen.”
Nhưng chửi mắng, đe dọa hành hung chưa phải là điều khiến những nữ gác chắn tàu Sài Gòn e ngại nhất. Điều đáng sợ hơn cả là sự đe dọa của những tay lái bợm nhậu, ma men khi về đêm. Chuyện xe đâm gãy đổ trụ hay thanh chắn, xe cố vượt barie.... đã không còn xa lạ đối với những nữ gác tàu trong lòng thành phố.
Tâm vân vê cây bút trong tay rồi bắt đầu kể lại kỷ niệm chết hụt nhớ đời ngay trong những ngày chập chững làm nghề. Ấy là vào năm 2007, sau 3 tháng học nghiệp vụ, chị được phân công về thực tập tại nút chắn Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận.)
Đêm hôm đó, Tâm trực cùng một nữ đồng nghiệp khác. Nhận tín hiệu tàu về, như thường lệ, hai chị em bước ra khỏi trạm để chuẩn bị hạ barie.
“Vừa xuống đường thì một chiếc xe máy lao nhanh đâm thẳng vào, hất văng hai chị em ra xa. Đồng nghiệp của tôi chân bị gãy gập thành hai khúc,” giọng chị run run.
Nhìn đồng nghiệp đã ngất đi, máu chảy đầm đìa, thậm chí cô thực tập trẻ bấy giờ còn nghĩ đến tình huống xấu nhất. Tâm nén đau, nhờ người dân xung quanh hạ giùm thanh chắn rồi mới dám vào nhập viện.
“Khi đó, tôi rất sợ, không biết mai mình có đi làm được không, không biết đồng nghiệp như thế nào,” chị Tâm nhớ lại.
Nguyễn Thị Tâm dù đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm gác chắn nhưng vẫn không thôi lo lắng cho sự an toàn khi những đoàn tàu chạy qua. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Yến, nghe chuyện của đàn chị, mặt đã hơi tái dại, cũng góp thêm: “Bữa trước, em cũng làm ca đêm, một ông Tây còn đâm gãy luôn rào ngang, xe và người văng tít sang bên phía mé ray đối diện.”
Một lần khác vào năm 2010, ngay tại gác chắn Nguyễn Kiệm, mặc dù đã có tín hiệu báo tàu, nhưng một xe máy vẫn cố vượt và bị lọt bánh dưới đường ray. Hai người trên xe ngã sóng xoài, chân bị kẹt lại không thể rút ra. Đoàn tàu thì vẫn rầm rập chạy tới gần.
“Lúc ấy ai cũng hoảng. Tôi với mấy chị em phải gọi thêm mấy người lái xe ôm gần đó xúm vào phụ giúp bưng cả xe và người ra. May mà vẫn kịp chứ không thì...,” chị bỏ lửng câu chuyện.
Đến đây, không ai nói thêm với ai thêm âu nào. Căn phòng nhỏ 12m2 của trạm chắn Nguyễn Kiệm phút chốc chìm trong im lặng...
Trạm chắn Nguyễn Kiệm thuộc Cung chắn Gò Vấp. Trong số 12 nhân viên làm việc thường trực tại đây thì đã có tới 9 người là nữ giới. Hầu hết họ đều mang trong mình những nỗi niềm riêng khó kể.
Phải mất rất lâu trò chuyện, Yến mới bắt đầu mở lòng mình ra với chúng tôi. Cô gái trẻ, người gầy quắt, thường lảng tránh ống kính máy quay ra phía ngoài trạm ngồi một mình. Yến bảo, vào đây làm, hầu hết các chị em đều có hoàn cảnh khó khăn, người thì mất cha, người vắng mẹ nên mới phải đi xa.
Trạm chắn Nguyễn Kiệm thuộc Cung chắn Gò Vấp. Trong số 12 nhân viên làm việc thường trực tại đây thì đã có tới 9 người là nữ giới. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bản thân Yến cũng chỉ còn mẹ già ở quê. Mặc dù là con thứ 4 trong gia đình, nhưng từ vài năm nay, Yến đã đóng vai chị cả để lo tiền ăn ở cho cậu em trai đang theo học đại học tại Đà Nẵng.
Ngồi lẩm nhẩm tính, Yến rành rọt: “Một tháng tăng ca thêm, tính cả lương cũng được hơn 6 triệu. Ở thì ở nhà của công ty, ăn uống tiết kiệm nên cũng gửi được cho em trai 1 triệu rưỡi.”
Nói tới chuyện tăng ca, Yến thoáng quên nỗi buồn lo, khoe hồn nhiên: “Như hôm nay này anh, mai anh quay lại thì vẫn gặp em thôi. Em tăng ca thêm đến hết 6 giờ chiều mai, là làm nguyên một ngày đấy. Xong rồi thì về ngủ đến chiều hôm sau đi tiếp thôi.”
Ngay cả người được coi là “lão làng” như chị Nguyễn Thị Tâm với 10 năm uống gió, ăn bụi thì mức lương cũng không khá hơn là mấy. Sau chẵn một thập kỷ gắn với các trạm gác, chị được hưởng bậc 2 với số tiền khoảng 4-5 triệu chưa tính tăng ca.
“Tăng ca của ngành đường sắt vất vả hơn nhiều các nghề khác rất nhiều vì một ca kéo dài tới 12 tiếng. Nhiều lúc mệt đến muốn ngủ một chút nhưng vẫn phải cố thức để đảm bảo an toàn,” chị Tâm tâm sự thật.
Mỗi người đều mang một nỗi niềm riêng khó kể. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đồng lương thấp, công việc vất vả, nhiều rủi ro và nguy cơ là thế nhưng chị Tâm vẫn cặm cụi gắn với những ray tàu. Chị bảo: “Cũng có lúc cảm thấy yếu lòng, muốn bỏ nghề đi làm gì đó khác nhưng lại không thể. Những người như chị đã quá quen với nhịp điệu của tàu đi, quen với gió và bụi. “
“Như hồi năm 2010, sau vụ tai nạn sập cầu Ghềnh, anh chị em làm gác rất hoang mang. Nhiều ngưởi xin nghỉ. Mình cũng không tránh được bị ảnh hưởng tâm lý. Nhưng rồi vượt qua được giai đoạn ấy thì tôi thấy mình muốn gắn bó với công việc này.”
Nói thì mạnh dạn là thế đấy, nhưng từ sâu trong lòng những bóng hồng đang ngày ngày đốt cháy tuổi thanh xuân bên barie này vẫn có những phút chạnh lòng mềm yếu.
Đó là khi họ nhận nhiệm vụ gác đêm một mình trong những trạm xa như Quảng Đức, Sông Đà... Khi ấy, căn phòng vốn chật chội bên đường ray bỗng thênh thang, thông thống.
Chị Tâm vẫn còn nhớ như in lần gác đêm tại Sông Đà. Khi vừa ra hạ barie trở về chốt, chị bỗng thấy có bóng người in trên tường nên vội vàng chạy lại thì phát hiện một người đàn ông loay hoay phá cốp, lấy bóp tiền.
“Ở đây, chuyện ra đón tàu vào mất điện thoại, ví và tư trang không hiếm. Chúng tôi chẳng sợ ma, chỉ sợ người,” chị buồn rầu kể lại.
Dù nghề còn nhiều khó khăn, nhưng chị em ở trạm vẫn rất yêu đời. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cung chắn Gò Vấp cũng là cung đã cũng chứng kiến những vụ việc khó tin xảy đến với những nữ nhân viên trực gác. Điển hình là trường hợp của chị Trần Thị Cẩm Nhung, nhân viên gác chắn điểm đường Thích Quảng Đức (Quận Phú Nhuận). Vào tháng 6/2016, lợi dụng lúc chị Nhung ra ngoài để hạ chắn, một thanh niên bị ngáo đá đã xông vào trạm, sập cửa, chốt then cố thủ bên trong suốt 3 giờ đồng hồ. Sau đó, cảnh sát hình sự, lực lượng 113 đã phải phá cửa xông vào, tước dao và khống chế đối tượng thành công. Chị Nhung được một phen hú vía, hết hồn.
Đối với những người như chị Tâm, như Yến, khoảng thời gian đáng sợ nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về. Do đặc thù công việc, nên càng vào giai đoạn này, họ càng phải trực tăng cường. Quê thì ở xa, người thân không ở cạnh, chị em ngồi thu lu trong căn phòng tuyềnh toàng nhìn nhau mà ứa nước mắt.
Câu chuyện giữa chúng tôi thi thoảng lại bị ngắt quãng bởi tàu vào và ra. Đến tận gần khuya, khi tàu đã thưa dần, tất cả mới có một chút thảnh thơi. Yến chỉ cho tôi dàn hoa Trang leo mà mấy chị em tự trồng trước cửa trạm, ngay sát đường Nguyễn Kiệm. Sau mấy năm chăm bẵm, cây đã lớn phổng phao, lợp kín một khoảng sân nho nhỏ phía mé trạm. Phía dưới, một bể cá cảnh đúc bằng xi măng nằm gọn ghẽ. Chênh chếch bên đường ray là dãy mai vàng đã lác đác ra hoa.
Nhìn khoảnh xanh mướt trước cửa trạm ấy, Yến bảo: Dù nghề còn nhiều khó khăn, nhưng chị em ở trạm vẫn rất yêu đời. Còn một ngày làm cô gác ghi, họ sẽ vẫn trồng hoa, nuôi cá và vẫn... ăn bụi uống gió, nghe… chửi bên những ray tàu....
Và, tôi nghĩ, tại hàng trăm, hàng nghìn trạm gác khác suốt dọc 1726km đường sắt Bắc Nam, còn biết bao nhiêu bóng hồng gác tàu cũng chung tâm sự, nỗi niềm riêng như cô gái tại đường Nguyễn Kiểm xa xôi.....