Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) vừa nâng triển vọng kinh tế Bồ Đào Nha từ mức “ổn định” lên “tích cực” do nền kinh tế đã từng lao đao trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang hồi phục.
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm này, nền kinh tế Bồ Đào Nha phục hồi ổn định bên cạnh những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách trong việc củng cố tài chính công trong trung hạn. Standard & Poor's bày tỏ tin tưởng rằng GDP của nước này sẽ tăng trung bình khoảng 1,8%/năm trong giai đoạn 2015-2016, cao hơn con số dự báo 1,6%/năm mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 11/2014.
Standard & Poor's nhận định nền kinh tế Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục phục hồi nhờ sự gia tăng đầu tư.
Cơ quan này cho rằng mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn từ bên ngoài nhưng việc nhu cầu trong và ngoài nước bắt đầu khởi sắc và tỷ lệ lạm phát tăng chậm sẽ hỗ trợ tiến trình củng cố ngân sách của Bồ Đào Nha.
Standard & Poor's ước tính nợ của Chính phủ trung ương sẽ giảm xuống còn 113% GDP vào năm 2018 từ mức 118% GDP trong năm 2014.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Bồ Đào Nha, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng trở lại trong năm 2014 với mức tăng 0,9% nhờ chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình hồi phục sau khi giảm 1,4% năm 2013.
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2010, nền kinh tế này quay lại quỹ đạo tăng trưởng.
Vào tháng 5/2014, Bồ Đào Nha đã rút khỏi chương trình cứu trợ có tổng trị giá 78 tỷ euro (88 tỷ USD) của bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tuy nhiên, nước này vẫn phải cắt giảm chi tiêu để đạt được mục tiêu về ngân sách.
Kể từ khi thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng vào năm 2011, chính phủ nước này đã phải giảm lương công chức, viên chức và kéo dài thời gian làm việc từ 35 giờ lên 40 giờ một tuần./.