Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's ngày 6/12 đã giữ nguyên mức đánh giá đối với xếp hạng tín dụng của Trung Quốc sau khi cảnh báo có thể sẽ hạ bậc tín dụng của 15 nước khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Động thái trên được cho là củng cố thêm sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo S&P, nhân tố chính để nền kinh tế Trung Quốc giữ được mức tín nhiệm tín dụng của họ là "triển vọng tăng trưởng khác thường" cùng "nợ chính phủ ở mức thấp."
Các mức xếp hạng dài hạn "AA-" và ngắn hạn "A-1+" hiện nay của Trung Quốc chỉ còn kém mỗi thứ hạng cao nhất "AAA" của S&P's.
Tuyên bố trên của S&P được đưa ra sau khi hãng xếp hạng này đặt Pháp, Đức và 13 thành viên Eurozone khác vào vùng xem xét tín dụng tiêu cực. S&P cũng cho biết hãng sẽ hoàn tất một báo cáo "càng sớm càng tốt" vào sau hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) bàn về cuộc khủng hoảng nợ của khu vực diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào ngày 8-9/12.
Tuyên bố này của S&P cũng được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Pháp và Đức loan báo các kế hoạch nhằm cứu đồng euro trong bối cảnh EU kêu gọi cần phải ban hành những luật kệ khắt khe hơn để kiểm soát tài khoản của các thành viên Eurozone.
Tuy nhiên, bất chấp việc S&P's vẫn giữ nguyên mức đánh giá tín dụng đối với Trung Quốc, song các lãnh đạo hàng đầu và các chuyên gia kinh tế đang ngày càng lo ngại rằng cường quốc kinh tế châu Á này đang mất dần động lực tăng trưởng do nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc sụt giảm vì khủng hoảng tại Mỹ và châu Âu.
Theo số liệu mới nhất, hoạt động công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 11 đã co lại lần đầu tiên trong vòng 33 tháng qua./.