Hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard and Poor’s (S&P) vừa công bố báo cáo cho hay lợi nhuận ròng của các ngân hàng vùng Vịnh đã giảm xuống chỉ còn 4% trong quý 2 năm nay, từ mức tăng lần lượt là 7% và 10% được ghi nhận trong hai quý trước đó, do chính phủ các quốc gia này đang cắt giảm chi tiêu để đối phó với doanh thu từ dầu mỏ sụt giảm.
S&P dự đoán tăng trưởng lợi nhuận của 26 ngân hàng lớn của vùng Vịnh trong năm nay sẽ ở dưới mức 10% và có thể sẽ tiếp tục giảm trong năm 2016.
Sở dĩ thu nhập trong nửa đầu năm của các ngân hàng trên ở mức “tốt” là do nợ xấu và số tiền được trích ra để đề phòng những khoản nợ khó đòi giảm. Tuy nhiên, những tác động của việc giá dầu xuống thấp đối với tăng trưởng và chất lượng tài sản có thể khiến lợi nhuận của các ngân hàng giảm trong một vài quý tới.
Bên cạnh đó, các chính phủ cũng đã cắt giảm chi tiêu công để đối phó với sụt giảm doanh thu từ dầu mỏ và điều này đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực tư.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo việc giá dầu thế giới giảm đến hơn 50% kể từ tháng 6/2014 là nguyên nhân khiến nguồn thu của sáu quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) là Saudi Arabia, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Oman và Bahrain bị “tước đi” 300 tỷ USD năm nay.
Ngoài ra, số tiền gửi vào các ngân hàng thuộc GCC chỉ tăng 6% trong hai quý đầu năm nay, so với mức trên 10% trong tám quý trước đó.
Sáu trong số 26 ngân hàng được nêu trong báo cáo của S&P ghi nhận tiền gửi tăng âm trong quý 2, trong khi 10 ngân hàng cho biết thu nhập chưa tính đến lãi suất của họ đã sụt giảm trong sáu tháng đầu năm./.