S&P Global Ratings ngày 29/10 nhận định các ngân hàng địa phương của Nhật Bản sẽ chứng kiến lợi nhuận hoạt động giảm 21% nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) hạ sâu hơn mức lãi suất âm hiện nay.
Cơ quan này cũng cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn của việc mở rộng chương trình kích thích kinh tế, vốn đã có quy mô rất lớn.
Trong một báo cáo, S&P ước tính việc cắt giảm 0,1 điểm phần trăm mục tiêu chính sách ngắn hạn của BoJ cũng sẽ làm giảm 6% lợi nhuận hoạt động của các ngân hàng thương mại lớn.
Báo cáo nhấn mạnh các ngân hàng đang gặp khó khăn của Nhật Bản sẽ đối mặt với những “cơn đau đầu” lớn hơn nếu BoJ đẩy lãi suất giảm sâu hơn nữa và các ngân hàng trong nước sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo S&P, các ngân hàng địa phương đặc biệt dễ bị tổn thương khi lợi nhuận của phụ thuộc nhiều vào hoạt động cho vay trong nước.
[BoJ sẽ hạ lãi suất ngắn hạn nếu phải nới lỏng chính sách tiền tệ]
Thống kê cho thấy trong tài khóa 2018-2019 (kết thúc vào tháng Ba vừa qua), 10 trong số 64 ngân hàng địa phương đã chịu thiệt hại về tài chính do hoạt động cho vay.
Việc hạ tỷ lệ lãi suất hơn nữa sẽ nâng con số ngân hàng chịu thiệt hại lên 56, tương đương 88% tổng số ngân hàng.
Với chính sách được gọi là kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), BoJ đã đặt lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở khoảng 0% nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Tuy nhiên, mục tiêu này cho đến nay vẫn nằm ngoài tầm với, qua đó làm gia tăng đồn đoán BoJ phải tăng cường chương trình kích thích kinh tế hoặc hạ thấp mục tiêu đã đề ra.
Trong một phát biểu mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cho biết BoJ sẽ hạ lãi suất ngắn hạn và trung hạn nếu cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời cho rằng giảm sâu lãi suất vào vùng âm sẽ là công cụ chủ yếu để chống lại các nguy cơ đang gia tăng từ bên ngoài.
Thị trường hiện đang chú ý tới cuộc họp chính sách sắp tới của BoJ, dự kiến diễn ra ngày 30-31/10, để xem liệu ngân hàng này có “nối gót” Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng tiền tệ hơn hay không./.