S&P 500 và Dow Jones xác lập các mức cao kỷ lục mới

Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 201,36 điểm, tương đương 0,47%, lên 43.065,22 điểm. Đây cũng là lần đầu tiên Dow Jones vượt qua mốc 43.000 điểm.

(Ảnh: TTXVN phát)
(Ảnh: TTXVN phát)

Cả chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều xác lập các mức cao kỷ lục mới khi thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 14/10.

Các nhà đầu tư đổ vốn vào nhóm cổ phiếu công nghệ trước tuần lễ sôi động với mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý III/2024 và nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng.

Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 201,36 điểm, tương đương 0,47%, lên 43.065,22 điểm. Đây cũng là lần đầu tiên Dow Jones vượt qua mốc 43.000 điểm.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 44,82 điểm, tương đương 0,77%, lên 5.859,85 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 159,75 điểm, tương đương 0,87%, lên 18.502,69 điểm.

Tuần này, có 41 công ty thuộc S&P 500 dự kiến công bố kết quả kinh doanh quý III, mang đến dữ liệu quan trọng để giới đầu tư đánh giá sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và khả năng các công ty có tiếp tục duy trì được mức định giá cổ phiếu cao hay không.

Trước khi loạt báo cáo tài chính được công bố, nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường đi lên trong phiên đầu tuần.

Chỉ số nhóm ngành bán dẫn tăng 1,8%, đạt mức cao nhất trong hơn hai tháng, nhờ vào mức tăng 6,8% của Arm Holdings và 2,4% của Nvidia, đưa cổ phiếu của hai công ty này đạt đỉnh mới.

Chỉ số công nghệ thông tin thuộc S&P 500 tăng 1,4%, là nhóm tăng mạnh nhất trong các ngành. Các cổ phiếu lớn như Alphabet, Apple, Microsoft và Tesla đều tăng từ 0,6% đến 1,6%.

Mặc dù Dow Jones vượt mốc quan trọng 43.000 điểm nhưng mức tăng của chỉ số này bị kìm hãm bởi sự sụt giảm 2% của công ty sản xuất máy móc công nghiệp Caterpillar và cổ phiếu Boeing giảm 1,3% sau khi hãng này cảnh báo về khoản lỗ lớn hơn dự kiến trong quý III.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi những số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố trong tuần này, đặc biệt là doanh số bán lẻ tháng 9/2024, để có cái nhìn sâu hơn về “sức khỏe” tài chính của người tiêu dùng Mỹ.

Ông McCullough, chuyên gia phân tích của công ty quản lý đầu tư Natixis, cho biết dữ liệu liên quan đến người tiêu dùng ngày càng trở nên quan trọng để dự báo các động thái của Cục Dự trữ liên bang (Fed), khi ngân hàng trung ương Mỹ đang chuyển dần trọng tâm chính sách sang mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, hai quan chức Fed cũng bày tỏ quan điểm thận trọng về chính sách lãi suất trong tương lai. Chủ tịch chi nhánh Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari, cho biết ông dự đoán sẽ có những đợt cắt giảm lãi suất nhỏ khi lạm phát đang tiệm cận mục tiêu 2%.

Trong khi đó, Thống đốc Fed Christopher Waller kêu gọi "sự thận trọng hơn" trong việc cắt giảm lãi suất sắp tới.

Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 14/10, chỉ số VN-Index giảm 2,05 điểm (0,16%) xuống 1.286,34 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,66 điểm (0,28%) xuống 230,72 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục