Sốt ruột chờ thông tin tăng học phí đại học mùa tuyển sinh năm 2023

Hiện rất ít trường đại học công bố mức học phí của năm học tới trong khi mùa tuyển sinh đã cận kề, thí sinh đang phải đau đầu lựa chọn trường nhưng thiếu thông tin.
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Chỉ còn hơn một tháng nữa, từ đầu tháng Bảy, các thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Tuy nhiên, bên cạnh việc chọn ngành, chọn nghề, vấn đề thí sinh băn khoăn là hiện nhiều trường chưa công bố học phí cụ thể, trong khi theo Nghị định 81 của Chính phủ, học phí đại học sẽ tăng từ năm học tới.

Học phí rục rịch tăng

Nghị định 81 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành tháng 8/2021 và có hiệu lực từ tháng 10/2021 quy định mức học phí của hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, học phí sẽ tăng theo lộ trình, bắt đầu từ năm học 2022-2023.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã yêu cầu các đại học không tăng học phí trong năm học 2022-2023 để chia sẻ với khó khăn của người dân. Học phí đại học trong năm 2022-2023 vì thế vẫn giữ nguyên như năm học 2021-2022.

Mới đây, ngày 10/5, tại cuộc họp nghe báo cáo về vấn đề học phí và sách giáo khoa năm 2023-2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đồng ý với phương án các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81, phù hợp với điều kiện cụ thể.

Hiện một số đại học đã thông báo mức học phí dự kiến cho năm học 2023-2024. Đại học Ngoại thương dự kiến học phí là 25 triệu đồng/sinh viên/năm cho chương trình đại trà, 45 triệu đồng/năm cho chương trình chất lượng cao và 70 triệu đồng/năm cho chương trình tiên tiến. Đối với sinh viên học hệ chương trình quản trị khách sạn, marketing số, kinh doanh số, truyền thông marketing tích hợp vẫn giữ mức học phí 60 triệu đồng/năm. Mức tăng khoảng 5 đến 10 triệu đồng so với học phí năm 2022.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng tăng học phí khoảng 14% so với năm học trước, từ 440.500 đồng/tín chỉ lên 550.000 đồng/tín chỉ với hệ đại trà, từ 1,3 triệu đồng/tín chỉ lên hơn 1,47 triệu đồng/tín chỉ với hệ chất lượng cao.

Đại học Thương mại công bố mức học phí mới trong đề án tuyển sinh năm 2023 từ 2,3 đến 2,5 triệu đồng/tháng với chương trình chuẩn và định hướng nghề nghiệp, từ hơn 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng với chương trình chất lượng cao và chương trình tích hợp.

Tương tự, các trường Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng công bố dự kiến tăng học phí.

Nhiều trường vẫn chờ hướng dẫn

Dù các trường đều đã công bố phương án tuyển sinh nhưng số trường công bố học phí không nhiều. Điều này gây khó khăn cho thí sinh và phụ huynh khi học phí là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định chọn trường.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Có mong muốn theo học ngành y nhưng em Nguyễn Tuấn Anh (huyện Kiến Xương, Thái Bình) cho hay em vẫn đang phân vân vì đây là khối ngành có mức học phí cao nhất, trong khi các trường em quan tâm như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược Thái Bình đều chưa bố mức học phí cụ thể của năm học tới.

“Điều kiện kinh tế gia đình ở mức bình thường nên học phí là vấn đề em phải rất cân nhắc để đảm bảo có thể đủ khả năng tài chính khi ngành y phải học đến 6 năm,” Tuấn Anh chia sẻ.

[Nghiên cứu chính sách học phí toàn diện, đảm bảo phổ cập giáo dục]

Theo Giáo sư Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, năm học tới, trường sẽ tăng học phí theo quy định của Nghị định 81.

Đây cũng là chia sẻ của lãnh đạo nhiều trường đại học. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể như thế nào là con số còn bỏ ngỏ.

Phó giáo sư Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho hay Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đồng ý với việc tăng học phí theo Nghị quyết 81 nhưng đồng thời yêu cầu mức tăng cần phù hợp với điều kiện cụ thể.

“Trường cũng rất mong sớm chốt được thông tin về vấn đề học phí để sớm công bố với thí sinh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này,” ông Chương cho hay.

Trên thực tế, mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học đã công bố tăng học phí và thu học phí theo mức mới, áp dụng theo Nghị định 81. Sau khi Chính phủ yêu cầu giữ nguyên học phí như năm 2021, các trường đã phải rà soát và trả lại khoản thu chênh lệch cho sinh viên.

Theo lãnh đạo một trường đại học, học phí là vấn đề rất nhạy cảm. Vì thế, rút kinh nghiệm của năm 2022 và đang thời điểm trước mùa tuyển sinh, các nhà trường sẽ chờ thông tin hướng dẫn rồi mới quyết định học phí và công bố tới thí sinh, tránh trường hợp phải điều chỉnh như năm ngoái./.

Theo Nghị định 81, mức trần học phí từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026 đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:

Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Mức học phí tối đa không quá 2 lần so với mức học phí trên.

Đối với các chương trình đào tạo đã đạt chuẩn kiểm định tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo một phần chi thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên mức học phí tối đa không quá 2,5 lần so với mức học phí trên.

Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Được chủ động xây dựng và quyết định mức học phí theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản khác có liên quan.

Đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao (kể cả chương trình chuyển giao từ nước ngoài đối với giáo dục nghề nghiệp) các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động quyết định mức học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật bảo đảm đủ bù đắp chi phí đào tạo, có tích luỹ và thực hiện việc công khai trước khi tuyển sinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục