Những năm gần đây, bệnh sốt rét ở các tỉnh miền Nam đang có dấu hiệu quay trở lại khi số ca mắc liên tục tăng cao. Nguy hiểm hơn, các chuyên gia cảnh báo đã có sự xuất hiện của virus kháng thuốc, kháng cả nhóm thuốc Artemisinin - nhóm điều trị sốt rét chủ lực.
“Điểm nóng” Bình Phước
Ba năm nay, năm nào Trạm Y tế xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cũng tiếp nhận từ 400-500 ca sốt rét. Theo bác sỹ Trần Văn Nhân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đăk Ơ, địa phương này là “điểm nóng” trên toàn tỉnh về số lượng người dân mắc sốt rét mỗi năm. Thậm chí, có những người đã mắc sốt rét nhiều lần trong một năm.
Tập quán đi rừng dài ngày nhưng không mang theo mùng (màn) của người dân địa phương là một trong những lý do khiến số lượng người dân trên địa bàn mắc sốt rét ngày càng tăng.
Mặc dù ngành y tế địa phương thường xuyên tẩm mùng, phun hóa chất nhưng tình hình vẫn không cải thiện. “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân khi đi rừng phải ngủ mùng, nhưng một số người dân vẫn không có ý thức tự bảo vệ, mắc bệnh từ trong rừng, sau đó về nhà lây lan cho những người khác”, bác sỹ Trần Văn Nhân chia sẻ.
[Hai trẻ nhỏ ở Đắk Nông nguy kịch nghi do bị sốt rét rất nặng]
Không chỉ xã Đăk Ơ, hiện tỉnh Bình Phước có xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập), xã Đăk Nhau (huyện Bù Đăng) cũng là những điểm nóng về sốt rét trong những năm qua.
Thống kê của Sở Y tế tỉnh Bình Phước, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 ca mắc sốt rét với 1 trường hợp tử vong; năm 2016 tỉnh có 1.120 ca mắc bệnh sốt rét. Bình Phước cũng liên tục là tỉnh dẫn đầu trong 10 địa phương có số ca mắc sốt rét cao nhất cả nước.
Theo bác sỹ Võ Quang Tiến, Trưởng khoa Ký sinh trùng, côn trùng, sốt rét - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, thông thường, thời điểm cuối năm khi lao động tự do di cư đến Bình Phước làm thuê tăng và người dân vào rừng làm nương rẫy nhiều, thường dễ mắc bệnh sốt rét và mang về lây lan cho cộng đồng.
Trong khi đó, ý thức phòng chống bệnh sốt rét của người dân chưa cao dù ngành Y tế đã cấp mùng có tẩm hóa chất diệt muỗi nhưng nhiều người dân vẫn không chấp hành. Nguy hiểm hơn, việc quản lý người di cư gặp nhiều khó khăn do họ liên tục di biến động khiến cho nguy cơ bệnh lây lan ra cộng đồng càng lớn.
Ngoài tỉnh Bình Phước, năm 2017 các tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long cũng có dấu hiệu gia tăng số ca mắc sốt rét.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong 11 tháng năm 2017, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận 113 bệnh nhân sốt rét, trong đó có 19 bệnh nhân mắc thể ác tính với 2 trường hợp tử vong.
Còn Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận điều trị cho 4 trẻ em mắc sốt rét từ tỉnh Đăk Nông và Bình Phước sau một thời gian dài không ghi nhận trẻ nhập viện do sốt rét.
Mối lo sốt rét kháng thuốc
Không chỉ gia tăng về số lượng, những năm gần đây ngành Y tế và người dân tỉnh Bình Phước càng lo ngại hơn khi tình trạng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện. Đây cũng là địa phương đầu tiên ghi nhận tình trạng sốt rét kháng thuốc tại Việt Nam.
Điều này hoàn toàn trùng hợp khi mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng công bố, đã phát hiện thấy ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở 5 quốc gia tiểu vùng sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. WHO cho biết, các ký sinh trùng sốt rét đã kháng lại các thuốc chống sốt rét, kể cả thuốc Artemisinin là hợp chất chính của các thuốc sốt rét tốt nhất hiện nay.
Nhận định về thông tin này, bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, điều này hết sức nguy hiểm bởi khi virus sốt rét kháng thuốc, việc điều trị sẽ trở nên vô cùng khó khăn, thời gian điều trị cũng kéo dài và tệ hơn có thể dẫn đến tử vong. Điều đáng nói, một khi virus sốt rét kháng thuốc thì nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng hoàn toàn có thể xảy ra.
Cùng chung quan điểm, tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Hoan Phú, Trưởng khoa Nhiễm Việt-Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại Việt Nam hiện có ba chủng virus sốt rét lưu hành chủ yếu là P.Falciparum, P.vivax và P.malariae.
Thông thường, với bệnh nhân mắc sốt rét thể ác tính phải được điều trị với thuốc kháng sốt rét tiêm, thể thông thường điều trị với thuốc kháng sốt rét uống. Nhưng với thể thông thường, nếu không điều trị đúng thuốc, đúng liều, đường dùng, hoặc dùng trễ cũng có nguy cơ rơi vào ác tính hoặc kháng thuốc.
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận bệnh nhân Hồ Thị Ngọc H, 55 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre với bệnh sử điều trị sốt rét từ 2 tuần trước tại bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, do không có thuốc điều trị sốt rét nên bà H chỉ được truyền máu và khi được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã chuyển sang sốt rét ác tính, thể gan, thận, thiếu máu nặng.
Theo bác sỹ Nguyễn Hoan Phú, hiện bệnh nhân này vẫn còn thiếu máu nặng, tuy vậy điều đáng lo ngại là bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng gen kháng thuốc (kháng với nhóm Artemisinin).
Bác sỹ Nguyễn Hoan Phú cho hay, hiện nhiều địa phương không có thuốc điều trị sốt rét do đã thanh toán bệnh này từ lâu. Trước nguy cơ bệnh sốt rét có thể quay trở lại và để bệnh nhân không rơi vào kháng thuốc hoặc chuyển sang thể sốt rét ác tính, bác sỹ Phú kiến nghị ngành Y tế cần cung cấp thuốc tiêm Artesunate cho các bệnh viện tuyến tỉnh.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán bệnh sốt rét cho các bác sỹ tuyến dưới bởi đã có sự nhầm lẫn trong chẩn đoán giữa bệnh sốt rét và sốt xuất huyết khiến bệnh nhân không được điều trị kịp thời, gây nguy hiểm đến tính mạng./.