Sau khi nhận vô số phàn nàn về lỗi kỹ thuật, khả năng tương thích và cả những rủi ro về sức khỏe cho người chơi, hãng điện tử Sony thông báo đang tiến hành thu hồi trên phạm vi toàn cầu tựa game đình đám Cyberpunk 2077.
Cyberpunk 2077 lấy bối cảnh tại Night City, một thành phố lớn thường xuyên xảy ra bạo loạn. Người chơi nhập vai một người lính đánh thuê tên là "V" từ góc nhìn thứ nhất, có khả năng cận chiến và chiến đấu ở tầm xa cũng như học được các kỹ năng vận hành máy móc.
Tựa game về đề tài "phản địa đàng" (dystopia) này được cho là một trong những trò chơi tốn kém nhất, với chi phí sản xuất lên tới khoảng 330 triệu USD. Ngày ra mắt trò chơi (10/12) cũng rất được mong chờ, song kết quả lại hoàn toàn trái với kỳ vọng ban đầu.
Một số người chơi đã đăng tải các đoạn video trên mạng xã hội Twitter phản ánh sự không đồng đều về đồ họa của trò chơi này, cùng nhiều bức ảnh chụp màn hình khác so sánh chất lượng của Cyberpunk 2077 chỉ bằng với nhiều tựa game cũ.
[Playstation 5 "cháy hàng" ngay trong ngày đầu mở bán]
Công ty con chuyên về lĩnh vực giải trí tương tác của Sony là Sony Interactive Entertainment (SIE) cam kết hoàn tiền cho những người mua Cyberpunk 2077 trên hệ thống cửa hàng trực tuyến PlayStation Store, cũng như xóa tựa game khỏi cửa hàng cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Tuần này, nhà phát hành của Cyberpunk 2077 là CD Projekt RED, có trụ sở tại Warsaw (Ba Lan), cũng đã đưa ra lời xin lỗi tới cộng đồng và tuyên bố sẽ sửa lại toàn bộ lỗi trong các phiên bản cập nhật trong hai tháng đầu năm 2021.
Công ty này đã buộc phải bổ sung cảnh báo về sức khỏe, sau khi có người phàn nàn rằng trò chơi này gây ra triệu chứng động kinh. Công ty cho biết đang tìm kiếm giải pháp lâu dài để khắc phục rủi ro về sức khỏe này trong thời gian sớm nhất.
Sony giải thích việc hoãn ra mắt trò chơi là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cũng như mức độ phức tạp khi phải thiết kế trò chơi này trên 9 nền tảng khác nhau, trong đó có bộ trò chơi cầm tay Xbox và máy tính cá nhân.
Tình trạng hoãn ra mắt sản phẩm mới đang trở nên thường xuyên hơn trong ngành phát triển game, do các trò chơi có dung lượng ngày càng lớn, chi phí đắt đỏ và đội ngũ sản xuất đông đảo. Đại dịch COVID-19 còn khiến tình hình phức tạp hơn khi nhiều hãng sản xuất buộc phải để nhân viên làm việc tại nhà./.