Liên tiếp trong hai đêm 12-13/2, triều cường dâng cao kèm theo sóng to, gió lớn đã làm kè đê biển Gành Hào (huyện Đông Hải) và Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu), tỉnh Bạc Liêu, bị sạt lở nghiêm trọng.
Kè Đoạn G1 kè Gành Hào - nơi tiếp giáp giữa kè sông và kè biển Gành Hào bị vỡ mái kè hàng trăm mét vuông trước Tết Nguyên đán chưa kịp khắc phục thì sóng biển hai đêm qua tiếp tục phá vỡ.
Gần 20m mũ kè - bộ phận liên kết phần đỉnh kè lại với nhau bị sóng đánh vỡ. Khối bêtông nặng khoảng 6 tấn cũng bị sóng cuốn ra xa.
Tại hiện trường, mặt đường kè bị sụp, một số vị trí gần đó tiếp tục bị sóng xoáy lở và có dấu hiệu rạn nứt.
Cầu Rạch Vượt nằm phía bên trong giáp với kè sông Gành Hào cũng bị sóng đánh làm sụp một bên móng cầu, làm gián đoạn phương tiện lưu thông qua lại.
Nghiêm trọng hơn, khi đỉnh triều lên cao, sóng lớn đánh phủ qua đỉnh kè tràn nước vào làm một số đoạn đường nội ô thị trấn Gành Hào bị ngập sâu, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Còn tại kè đê biển Nhà Mát, sóng biển đã làm sạt lở, vở một đoạn kè khoảng 20m từ nhà hàng Hương Biển, khu du lịch Nhà Mát đến đồn Biên phòng Nhà Mát. Cùng lúc triều cường dâng cao, sóng to, gió lớn, biển động cấp 8, cấp 9, nước tràn qua đỉnh kè gây ngập hàng loạt nhà dân phía trong kè.
Ngay trong đêm, các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp đã được sơ tán đến nơi ở an toàn. Các hộ dân còn lại ở khu vực lân cận cũng được lực lượng chức năng thông tin kịp thời về diễn biến để chủ động di dời ngay khi dự báo có tình huống xấu xảy ra.
Sau khi sự cố xảy ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung có mặt tại hiện trường, trực tiếp khảo sát tình hình thiệt hại hai tuyến kè trên. Chủ tịch tỉnh đã kịp thời chỉ đạo chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng triển khai nhanh các biện pháp tiếp ứng để bảo đảm an toàn tính mạng và giảm bớt thiệt hại về tài sản cho nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhấn mạnh trước mắt, chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng khẩn trương giúp dân khắc phục thiên tai, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh. Công tác giữ gìn tài sản cho các hộ dân sơ tán phải được thực hiện tốt, tránh tình trạng bị đối tượng xấu lấy trộm.
Ông Dương Thành Trung chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến triều cường, đê kè Nhà Mát và Gành Hào để chủ động ứng phó kịp thời, nhất là cao điểm đỉnh triều cường từ ngày 12-15/2 (tức ngày 16-18 tháng Giêng).
Riêng việc khắc phục các đoạn kè bị hư hỏng cần có phương án cụ thể, khả thi dựa trên tham vấn của các nhà khoa học và nguồn vốn thực tế của địa phương. Trong đó, các giải pháp thực hiện việc phá sóng từ xa bảo vệ lâu dài hệ thống kè sẽ được tỉnh Bạc Liêu chú trọng xem xét.
Kè đê biển Gành Hào và Nhà Mát là hai tuyến kè tiếp giáp cửa biển lớn của tỉnh Bạc Liêu. Hai tuyến kè đê biển này có vai trò quan trọng chấn sóng, triều cường, bảo vệ cuộc sống cho hàng nghìn hộ dân và hàng chục nghìn ha nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng màu. Đây là lần thứ ba trong hơn một năm qua kè Gành Hào bị sạt lở sau 11 năm đưa vào sử dụng, và đây là lần sạt lở nghiêm trọng nhất.
Còn tại Tiền Giang, ông Trần Văn Nhịn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện tình hình sạt lở tại xã cù lao Tân Phong đang diễn biến phức tạp. Trên địa bàn có tám tuyến sạt lở với tổng chiều dài lên đến 5.200m. Hiện tượng sạt lở xảy ra ở hầu khắp các tuyến bờ sông, đê bao ngăn lũ và triều cường, ngăn mặn của xã.
Tại ấp Tân Thiện, giáp sông Tiền, nhiều năm nay có một đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, dài hàng trăm mét. Mỗi năm, nước sông Tiền xâm thực gây sạt lở sâu từ 5-10 m. Nhiều hộ dân tại đây bị mất toàn bộ đất đai, nhà cửa và phải di dời đi nơi khác.
Anh Nguyễn Văn Út ở ấp Tân Thiện, trong khu vực sạt lở trên cho biết, bờ sông bị sạt lở đến mấp mé sân nhà anh. Một số hộ khác như hộ ông Nguyễn Văn Mum, Trần Phát Dũng, Trần Phát Tý cũng đã mất toàn bộ nhà cửa, đất đai do sạt lở bờ sông. Ông Kiều Mạnh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phong cho biết các hộ trên đều thuộc diện khó khăn. Do sạt lở mất toàn bộ nhà cửa, đất đai, buộc họ phải bỏ địa bàn đi lập nghiệp ở nơi khác.
Ông Trần Văn Nhịn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Phong nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng phức tạp và nghiêm trọng là do nạn khai thác cát trên sông trong thời gian qua với khối lượng lớn làm biến đổi dòng chảy, xói lở đất đai... Hàng năm, chính quyền địa phương đã trích từ 1-2 triệu đồng hỗ trợ những hộ đặc biệt khó khăn khắc phục hậu quả thiên tai.
Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống sạt lở bằng những giải pháp thích hợp như: Gia cố đê bao, trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió. Tuy nhiên, ông Nhịn cũng thừa nhận những giải pháp trên chỉ là tạm thời trong khi ngân sách địa phương có hạn, chưa thể khắc phục triệt để tình trạng này.
Ông Nhịn cũng kiến nghị các cấp, các ngành cần có những giải pháp đồng bộ, khả thi giúp địa phương phòng chống sạt lở một cách triệt để và hiệu quả, bảo đảm đời sống và sản xuất của nhân dân vùng cù lao Tân Phong./.